Ngày 26.9, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều chuyên gia nông nghiệp, tư vấn pháp lý và lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cùng bàn luận tìm giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt, do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức.
Đại diện Phòng Kinh tế TP.Đà Lạt cho biết, diện tích canh tác nông nghiệp của thành phố hiện đạt 10.690 ha, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành đạt 5.600 tỉ đồng (chiếm 15,5% cơ cấu kinh tế của thành phố). Các nông sản của Đà Lạt như rau, hoa, cà phê đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, nhiều mặt hàng đã được cấp nhãn hiệu bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, là thành tố quan trọng làm nên thương hiệu "Đà Lạt-Kết tinh kỳ diệu từ đất lành".
Từ năm 2015, TP.Đà Lạt phải đối mặt với vấn nạn xâm phạm thương hiệu nông sản khi một số tiểu thương nhập khẩu khoai tây Trung Quốc và tiêu thụ dưới danh nghĩa khoai tây Đà Lạt. Tình trạng vi phạm này vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nông sản của Đà Lạt, đến lợi ích kinh tế của người nông dân và doanh nghiệp địa phương.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, tính đến tháng 9 năm nay, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ nước ta đã đạt mức 5,6 tỉ USD, bằng tổng giá trị xuất khẩu toàn năm 2023. Tuy nhiên, đi ngược những nỗ lực to lớn ấy, tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt vẫn còn diễn ra không ít với những hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi. Điển hình như tại Đà Lạt, thời gian qua, một số thương lái đã nhập khoai tây Trung Quốc rồi nhuộm đất đỏ, giả mạo khoai tây Đà Lạt để bán ra thị trường với số lượng lớn.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc gian lận thương mại liên quan đến nông sản của Đà Lạt, như đối với khoai tây, dâu tây, cà rốt và một số sản phẩm khác. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này nhằm bảo vệ thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung.
Tại buổi tọa đàm các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, nhà nông đóng góp các giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. Theo đó, cần thực hiện tốt công tác hậu kiểm sản phẩm sử dụng thương hiệu Đà Lạt, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định trong quá trình sử dụng thương hiệu. Kiểm tra, kiểm soát thị trường, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh nông sản nhập nội, các hành vi giả mạo thương hiệu, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ uy tín của thương hiệu nông sản Đà Lạt.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật sở hữu trí tuệ, vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu nông sản Đà Lạt. Đẩy mạnh cung cấp mã QRCode truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho nông sản Đà Lạt.
Phát biểu tại buổi tòa đàm, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết đang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ KH-CN để tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông sản nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi về bảo hộ nhãn hiệu.
Bình luận (0)