Tìm giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới: Vướng cơ chế, thiếu nguồn tuyển

03/08/2023 07:15 GMT+7

Cả nước thiếu 118.253 giáo viên nhưng hơn 74.000 biên chế giao cho địa phương chưa được tuyển dụng hoặc chưa tuyển dụng được. Nguyên nhân chính vẫn bắt nguồn từ việc thiếu nguồn tuyển và thiếu cả cơ chế để ngành giáo dục có thể quyết định về nguồn nhân lực cho chính mình.

NƠI NÀO CŨNG THIẾU GV DẠY MÔN HỌC MỚI

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên (GV). Tình trạng này không những không được cải thiện mà số GV thiếu trầm trọng hơn, tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022. Ghi nhận thực tế, việc thiếu GV diễn ra ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, đặc biệt là với GV đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Hà Nội có quy mô trường lớp là 2.845 trường học với hơn 2,3 triệu học sinh. Số trường học tiếp tục tăng dần qua từng năm, trung bình 30 - 50 trường học phải xây mới mỗi năm… Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên. Năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập. Hiện, Hà Nội đang thiếu xấp xỉ 10.000 GV các cấp học. Do vậy, ông Cương đề xuất Bộ GD-ĐT tiếp tục có ý kiến với Bộ Nội vụ, trình Chính phủ giao thêm biên chế.

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết toàn tỉnh thiếu hơn 10.250 GV, thuộc diện trầm trọng nhất cả nước. Trong đó, một số môn bắt buộc theo chương trình mới như tin học thiếu 690 GV, tiếng Anh thiếu 350 GV, mỹ thuật thiếu 280 GV. Việc này ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.

Tìm giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới: Vướng cơ chế, thiếu nguồn tuyển - Ảnh 1.

Địa phương nào cũng thiếu giáo viên các môn mỹ thuật, âm nhạc

THÔNG NGUYỄN

Về nguyên nhân, theo ông Thức, do số biên chế GV tỉnh được giao (gần 1.700) thấp hơn định mức, trong khi hằng năm vẫn phải cắt 10% biên chế theo Nghị quyết 19 của T.Ư. Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) có nhiều thay đổi về cơ cấu môn học nên có môn thừa, môn thiếu. Từ năm học 2021 - 2022 trở về trước, môn tiếng Anh và tin học ở tiểu học là tự chọn; các môn âm nhạc, mỹ thuật không có trong chương trình THPT. Theo chương trình mới, tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3; âm nhạc, mỹ thuật được đưa vào là môn lựa chọn từ lớp 10 nên việc chuẩn bị đội ngũ GV gặp nhiều khó khăn.

Tại Hải Dương, năm 2023, ngành giáo dục tỉnh này được giao chỉ tiêu biên chế hơn 27.900 GV. Hiện, toàn tỉnh có trên 22.600 GV và còn thiếu hơn 1.400 GV. Số GV thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non và một số môn chuyên biệt ở cấp tiểu học như tin học, mỹ thuật…

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới ở cấp tiểu học và yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày nên việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.

NGÀNH GD-ĐT CHƯA "NẮM" VỀ CON NGƯỜI THÌ CÒN KHÓ

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), mặc dù số GV thiếu nhiều nhưng tính đến hết năm học 2022 - 2023, số lượng biên chế được giao chưa tuyển dụng là hơn 74.100 GV.

Lý giải việc không tuyển dụng đủ GV, các tỉnh cho rằng chính sách sử dụng, đãi ngộ nhà giáo còn một số bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút họ. Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng GV còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ. Cơ quan chuyên môn là sở, phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì về tuyển dụng nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được GV thừa, thiếu.

Tìm giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới: Vướng cơ chế, thiếu nguồn tuyển - Ảnh 2.

Các ứng viên tham gia tuyển dụng giáo viên tại TP.HCM dự thi phần kiến thức chung vào giữa tháng 7

B.THANH

Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức cũng chỉ ra rằng khi đổi mới giáo dục phổ thông, yêu cầu với GV rất cao, công việc nhiều hơn, áp lực lớn hơn nhưng cơ chế, chính sách thì không thay đổi. Ví dụ, ở tiểu học, chương trình cũ yêu cầu dạy 1 buổi/ngày, chương trình mới là 2 buổi/ngày nhưng cũng không có chế độ gì tăng lên với GV. Lương không tăng, dạy thêm, học thêm thì quản lý chặt. Khối lượng công việc rất lớn nhưng vai trò, chức năng của phòng GD-ĐT trong quản lý nhân sự thì chưa được thể hiện đúng mức.

"Chừng nào ngành giáo dục chưa quản lý được đội ngũ của mình thì chừng đó chưa ổn định được. Ví dụ, sở GD-ĐT của chúng tôi quản lý về chuyên môn, con người nhưng sở tài chính cấp kinh phí về các trường THPT như thế nào chúng tôi cũng không biết. Vấn đề nhân sự cũng vậy, việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển… đội ngũ của mình thế nào ngành GD-ĐT cũng không nắm được.

Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT phải phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ làm sao để chức năng quản lý của ngành GD-ĐT phải thông suốt từ bộ xuống các địa phương, thì việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả được", ông Thức nhấn mạnh.

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng cần nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, bởi nếu chỉ riêng Bộ GD-ĐT thì có nỗ lực đến mấy cũng không thực hiện được. Nhiều khó khăn, hạn chế kéo dài không được xử lý, ví dụ như tình trạng đội ngũ thừa, thiếu cục bộ kéo dài rất lâu rồi chứ không phải vấn đề mới phát sinh.

Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đề xuất một số giải pháp trong năm học tới, trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai xây dựng luật Nhà giáo; sửa đổi thông tư về vị trí việc làm và định mức GV. Đối với các địa phương, cần xây dựng, thực hiện đề án phát triển đội ngũ GV; đồng thời rà soát, điều tiết GV giữa các cơ sở giáo dục. Mặt khác, các địa phương cần phối hợp tổ chức tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được phân bổ. Cùng với đó, xây dựng chính sách địa phương để thu hút, tạo nguồn, giữ chân GV. Các địa phương cần có cơ chế "đặt hàng" đào tạo GV theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP; thí điểm cơ chế tự chủ cho cơ sở giáo dục và phát triển giáo dục ngoài công lập. 

Đề nghị có chính sách luân chuyển GV giữa các địa phương

Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra rằng, bất cập về cơ cấu GV dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ; nhiều địa phương thiếu GV nhưng không tuyển được. Một bộ phận GV bỏ việc, chuyển khỏi ngành chủ yếu do định mức GV chưa phù hợp; chế độ tiền lương, phụ cấp, nhất là GV mầm non, tiểu học, GV mới rất thấp, không tương xứng với cường độ, áp lực công việc và trình độ đào tạo.

Do đó, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ có chính sách luân chuyển GV giữa các địa phương, giữa các cấp học; khắc phục tình trạng chưa tuyển đủ GV theo biên chế; xác định lại định mức GV cho phù hợp với thực tiễn và có lộ trình phù hợp để đạt định mức tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách đãi ngộ hấp dẫn, thu hút GV giỏi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.