Tìm hiểu tàu tuần tra Nhật Bản đóng cho Cảnh sát biển Việt Nam

31/07/2020 19:22 GMT+7

Rất có thể 6 tàu tuần tra mà Nhật Bản đóng cho Cảnh sát biển Việt Nam theo Hiệp định vốn vay ODA ký ngày 28.7 qua là lớp tàu Aso loại 1.000 tấn.

Ngày 28.7 tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định vốn vay ODA trị giá 36,626 tỉ yen (gần 350 triệu USD) cho dự án đóng 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Theo hiệp định, thời gian vay là 40 năm, thời gian ân hạn 10 năm. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án từ tháng 7.2020 - 10.2025 khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Hiệp định vốn vay này được ký kết dựa trên cơ sở Công hàm Trao đổi của dự án được thực hiện trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản vào ngày 6.6.2017, và là hiệp định vốn vay đầu tiên được ký kết tại Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây kể từ tháng 8.2017.

Dewa (PL-42) là chiếc thứ 2 trong số 3 tàu tuần tra lớp Aso (dài 79 m, lượng giãn nước 1.000 tấn) của JCG

Wikimedia

Theo thông cáo báo chí của JICA ngày 30.7, các tàu tuần tra (OPV) này dài 79 m, cấu trúc bằng thép và hợp kim nhôm. Việc gọi thầu và tiến hành đóng tàu bắt đầu từ năm 2021.

Theo website của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG), hiện trong biên chế lực lượng này có tàu tuần tra lớp Aso là có chiều dài 79 m, lượng choán nước 1.000 tấn. Lớp tàu này đóng vào các năm 2003 - 2004, hoàn tất và đi vào hoạt động từ 2005 - 2006. Ban đầu dự định đóng 10 chiếc, nhưng do khó khăn ngân sách nên JCG chỉ đóng 3 chiếc là các chiếc Aso (PL-41), Dewa (PL-42), Hakosan (PL-43) (PL tiếng Anh nghĩa là tàu tuần tra cỡ lớn).

Tàu tuần tra lớp Aso có cấu trúc thân nhẹ, tốc độ cao (gần 60 km/giờ)

JCG

Lớp tàu Aso dài 79 m, ngang rộng nhất 10 m, mớn nước 6 m; lượng choán nước 1.000 tấn, thân cấu trúc chủ yếu bằng nhôm và thép nên nhẹ. Tàu trang bị 4 động cơ diesel và 4 hệ thống đẩy phản lực nước nên có tốc độ rất cao - gần 60 km/giờ.

Bảng thông báo điện tử gắn hai bên tháp điều khiển của tàu lớp Aso

Pháo Bofors 40 mm phía mũi tàu lớp Aso

JCG

Tàu có kèm 1 xuồng cứu hộ cao tốc dài 7 m; 1 pháo Bofors 40 mm phía mũi, súng máy, hệ thống điều khiển hỏa lực cùng thiết bị dò tìm mục tiêu bằng hồng ngoại... Hai bên tháp điều khiển của tàu còn gắn bảng điện tử để hiển thị thông tin khi cần thiết.

Hệ thống đẩy bằng phản lực nước của tàu tuần tra lớp Aso

Twitter@selene_v2

Loại tàu này được cho là phục vụ hoạt động tuần tra, hoạt động chấp pháp và cứu hộ, cứu nạn ở vùng biển gần.

Lớp tàu tuần tra lớn nhất của JCG là từ 6.000 - 6.500 tấn, mang được 1-2 trực thăng. Tàu mới nhất của loại này là chiếc Shunko (PLH-42), được biên chế vào tháng 2.2020, dài 140 m, mang được 2 trực thăng, lượng choán nước 6.000 tấn. Hiện JCG có 63 tàu trên 1.000 tấn, theo NavalNews.
Xem tàu tuần tra lớp Aso hoạt động (Nguồn: binmeitube):

Tàu tuần tra 1.000 tấn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.