Tìm hiểu về hát sắc bùa

19/11/2018 06:45 GMT+7

Xướng khúc Nghênh Xuân là chủ đề của chương trình Diễn xướng Nam bộ kỳ 3, nằm trong chuỗi thảo luận Đối thoại văn hóa cộng đồng do nhóm Cội Việt tổ chức, sẽ diễn ra tại Sân khấu IDECAF (TP.HCM) vào tối 7.12.

Diễn giả, nhạc sĩ Lê Hải Đăng sẽ giới thiệu những kiến thức căn bản về hình thức hát sắc bùa, bên cạnh đó, chương trình còn có những tiết mục biểu diễn minh họa cho phần trình bày của diễn giả.
Nhạc sĩ Lê Hải Đăng từng đảm nhận vị trí Trưởng ban Văn hóa cổ truyền, Trưởng ban Di sản văn hóa - Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM, có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu dân ca, văn hóa nghệ thuật dân gian, truyền thống và được biết đến với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Anh cũng là người đã ký âm cho rất nhiều bài hát của sắc bùa.
Từ hát “xéc pùa” (nghĩa là đánh cồng, xách cồng) của người Mường sau khi kinh qua các vùng địa lý - văn hóa và chiều dài lịch sử đã đến Nam bộ với tên gọi hát sắc bùa. Sắc bùa Nam bộ, nay còn lưu giữ tại làng Phú Lễ (Bến Tre), vừa có tính nghi thức, nghi lễ tương tự như xéc pùa Mường hay sắc bùa miền Trung (Hà Tĩnh, Huế) lại vừa có thêm yếu tố hát góp vui, giải trí. Từ đêm 30 đến mùng 7 tết, các đội sắc bùa từ 4 - 12 người sẽ vừa di chuyển vừa hát trên “sân khấu” chính là những con đường làng để báo hiệu cho người dân biết sự hiện diện của mình. Vào đến nhà nào, đội sắc bùa sẽ hát chúc tụng và thực hiện các nghi lễ bùa chú theo trình tự; kết thúc phần nghi lễ, đội sắc bùa sẽ hát góp vui theo yêu cầu gia chủ với các bài lý, bài vè…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.