Tìm không gian biểu diễn âm nhạc mới lạ

03/01/2019 10:27 GMT+7

Khi các chương trình ca nhạc trong nhà hát đã trở nên bão hòa, một số đạo diễn, ca sĩ đã nỗ lực tìm kiếm những không gian biểu diễn mới để đem lại cảm xúc mới mẻ cho người nghe và cho cả chính mình.

Concert Hà Anh Tuấn mang tên Gấu cuối tháng 12.2018 có thể xem là minh chứng thành công cho hướng đi đó. Vẫn là những ca khúc, giai điệu quen thuộc với người nghe qua chuỗi chương trình See Sing Share của Hà Anh Tuấn, nhưng khi được vang lên trong không gian lãng mạn của sân trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, giữa tiết trời se lạnh điểm xuyết mưa phùn, cảm xúc của khán giả lẫn ca sĩ bay bổng và thăng hoa hơn.
Chúng tôi tin sẽ mang lại cho khán giả những trải nghiệm mới, những giá trị tăng thêm bên cạnh âm nhạc
Đạo diễn Cao Trung Hiếu
“Nếu không làm concert ở nơi đây thì ê kíp cũng không có nhiều cơ hội tìm hiểu ngôi trường được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20”, đạo diễn Gấu concert Cao Trung Hiếu thừa nhận.
Thế nhưng, dù là đạo diễn dày dạn kinh nghiệm, bản thân Hiếu cũng không thể hình dung hết trong không gian mới mẻ ấy, thiết kế sân khấu, ánh sáng, hình ảnh phối hợp với “màn hình” là bức tường của ngôi trường cổ kính sẽ tạo hiệu quả ra sao khi âm nhạc vang lên. Và dù đã đứng trên nhiều sân khấu lớn nhỏ trong hơn 10 năm qua, Hà Anh Tuấn khi bắt đầu chương trình cũng đã choáng ngợp, gần như “quá tải” về cảm xúc đến mức suýt không hát trọn vẹn bài đầu tiên. “Khoảnh khắc đó vừa thật và rất khó tìm. Cái chạm đầu tiên ấy giữa âm nhạc, hiệu ứng sân khấu và rung động của nghệ sĩ biểu diễn, ê kíp sản xuất cùng khán giả, khi cùng nhau sống trong không gian cảm xúc chưa từng trải qua là dấu ấn thật khó phai mờ”, Cao Trung Hiếu bồi hồi nhớ lại.
Phạm Thu Hà hát tại không gian Nhà thờ Lớn Hà Nội Ảnh: NSCC
Cũng chính nhờ sự mới mẻ trong không gian biểu diễn đặc biệt - Nhà thờ Lớn Hà Nội - mang đến mà “họa mi bán cổ điển” Phạm Thu Hà đã có một đêm thăng hoa cảm xúc ở chương trình hòa nhạc Giáng sinh 2018 cùng khách mời Quang Dũng. “Hát trên sân khấu của giáo đường là ước mơ mà tôi chưa bao giờ nghĩ có thể thực hiện được. Thế nên đứng trong không gian vừa uy nghiêm vừa lộng lẫy ấy, hòa giọng cùng dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, cảm giác của người biểu diễn thật khó diễn đạt hết: run rẩy, xúc động, thiêng liêng lắm”, Phạm Thu Hà nói.
Trước đó, ca sĩ Tuấn Hưng sau khi bị hủy show ở Cung Quần Ngựa (Hà Nội) đã đưa chương trình ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để giữ lời hứa với khán giả thủ đô. Hình ảnh hàng ngàn khán giả vừa bật đèn flash sáng cả phố đi bộ Hồ Gươm vừa hòa giọng cùng anh hẳn sẽ là khoảnh khắc khó quên với cả người diễn lẫn người thưởng thức.

“Giá trị tăng thêm” ngoài âm nhạc

Theo đạo diễn Trần Vi Mỹ, không gian biểu diễn mới mẻ vừa mang đến sự hào hứng cho khán giả và ca sĩ vừa đặt ra những thách thức lẫn sự khám phá thú vị cho ê kíp thực hiện.
Anh nói, khi được Phạm Thu Hà mời làm đạo diễn chương trình trong Nhà thờ Lớn Hà Nội, thách thức lớn nhất với ê kíp là làm sao để xử lý tốt âm thanh trong không gian mái vòm nhà thờ - hoàn toàn khác với không gian hình hộp của các sân khấu thông thường. Bên cạnh đó, để không làm ảnh hưởng đến kiến trúc nhà thờ, chuyên gia ánh sáng đã nghĩ ra cách thiết kế dàn đèn bao quanh nửa sau nhà thờ để đánh ánh sáng vào vị trí ca sĩ.
Hà Anh Tuấn và Cao Trung Hiếu, sau concert ở Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhận ra rằng quá trình tìm kiếm không gian biểu diễn mới cũng chính là cơ hội để họ khám phá và mở mang kiến thức cho bản thân trong quá trình tiếp cận với những giá trị văn hóa, lịch sử của không gian ấy. “Năm nay, chúng tôi dự định tổ chức chương trình ở Hội An và sẽ tiếp tục tìm một điểm diễn mới, lạ. Chúng tôi tin sẽ mang lại cho khán giả những trải nghiệm mới, những giá trị tăng thêm bên cạnh âm nhạc”, Cao Trung Hiếu chia sẻ.
Còn Phạm Thu Hà cho biết cô đang nghĩ đến một buổi diễn với dàn giao hưởng tại Hoàng thành Thăng Long trong một ngày không xa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.