Tìm kiếm điệu nhảy Việt đặc trưng

02/02/2017 07:32 GMT+7

Tây nguyên nổi tiếng với vũ điệu xoang, Tây Bắc có nhảy sạp, miền Trung - Huế có múa chén, múa cung đình, miền Nam được biết đến với múa mâm (múa bóng rỗi)... Nhưng nếu hỏi điệu nhảy/múa nào là đặc trưng của VN thì vẫn chưa có câu trả lời.

Đó là một trong những lý do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội phát động cuộc thi Tìm kiếm điệu nhảy VN, hòa nhập cộng đồng VN và thế giới lần 2 (bắt đầu nhận đăng ký từ tháng 2.2017). Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi mong muốn tìm kiếm điệu nhảy VN để hòa nhập thế giới, như lăm vông của Lào hay valse của Áo. Điệu nhảy đó phải dễ học, dễ phổ biến để người mới bắt đầu học vẫn có thể nhảy được, đơn giản nhưng phải có nét đặc trưng VN và nhất là phải hấp dẫn”. Trên cơ sở các điệu nhảy ở cuộc thi, từ tháng 4.2017 ban tổ chức sẽ có đội ngũ chuyên nghiệp để thực hành làm mẫu, tạo điều kiện giới thiệu những điệu nhảy ấy trên truyền hình và các nhà văn hóa, trung tâm khiêu vũ, thậm chí sau đó có thể dựng clip để tuyên truyền thêm. Sau khi thử nghiệm tính khả thi, mức độ phù hợp của những điệu nhảy này, ban tổ chức mới tiến hành trao giải vào tháng 10.2017.
Đặc trưng là ai cũng có thể tham gia !
Về lần tổ chức thi đầu tiên diễn ra năm 2011, ông Bích cho biết khi đó có 3 điệu nhảy được chú ý nhất: điệu nhảy Nhịp sống trẻ (nhảy đôi nhưng hai bạn nhảy đứng song song, cùng tiến về phía trước); một điệu được sáng tác dựa trên điệu múa dân gian Trống bồng (điệu múa cổ của Thăng Long xưa còn tồn tại đến nay) và một điệu nhảy của Tây nguyên. Tuy nhiên, các điệu nhảy này vẫn chưa đạt yêu cầu của ban tổ chức để được xem là điệu nhảy đặc trưng VN. “Lâu nay mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có những điệu nhảy múa riêng, nên điệu nhảy được sáng tác mới có thể dựa vào những điệu xoang Tây nguyên hay xòe Thái…, vùng miền nào cũng được nhưng làm sao để khi phổ biến, quần chúng phải công nhận và thích thú, muốn nhảy, rồi sau đó là bạn bè thế giới cũng thích thú tham gia”, ông Bích nói thêm.
Trước thắc mắc liệu điệu nhảy được Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội vinh danh là “Điệu nhảy VN” có được công nhận ở cấp quốc gia, ông Bích nói: “Cuộc thi tổ chức độc lập theo tính chất của hội nghề nghiệp. Và giá trị cao nhất của kết quả, cũng là mong ước của chúng tôi, chính là tìm được điệu nhảy được quần chúng hưởng ứng, các trung tâm - vũ trường công nhận, có thể sử dụng trong các cuộc liên hoan, giao lưu với bạn bè quốc tế, từ đó lan tỏa để quốc tế công nhận. Công nhận cao nhất chính là ở công chúng”.
Được thông tin về cuộc thi của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, NSND Kim Quy, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa VN, cho rằng việc tìm một điệu nhảy Việt đặc trưng là điều cần thiết: “Từ mấy chục năm nay rồi, những người làm nghề luôn mong có một điệu nhảy như thế. Nghe tưởng như dễ nhưng hóa ra lại rất khó, khi đó phải là điệu nhảy dễ hiểu, dễ học, dễ phổ biến và phải hấp dẫn. Vì hấp dẫn thì người ta mới thích, thích thì mới nhảy theo”. Biên đạo múa Tạ Hưng, giảng viên Trường Múa TP.HCM, nhận định: “Lào có múa lăm vông, dễ, đặc trưng, ai tham gia cũng được. Brazil thì có samba, Argentina có tango, châu Âu có các bài múa trên vòng tròn chỉ nắm tay nhau đi xung quanh hoặc theo một người dẫn dắt. VN dù có rất nhiều điệu múa, nhảy nhưng tiếc là hiện nay chưa có một điệu chung nào đặc trưng để ai cũng tham gia khi có lễ hội hay hoạt động giao lưu”.
Truyền thống hay hiện đại ?
Biên đạo múa Ngọc Hiền cho rằng điệu nhảy đặc trưng VN nên xuất phát từ các điệu nhảy dân tộc chứ không nên lai tạp. Theo anh, miền núi phía bắc có nhảy sạp, dễ nhớ và dễ tham gia, và nhảy sạp cũng đã xuất hiện trong những cuộc liên hoan văn nghệ ở cả đồng bằng, nhưng bảo rằng đây là điệu nhảy đặc trưng của VN thì không hẳn vì “Trung Quốc hay Nam Mỹ cũng có những dân tộc nhảy sạp giống mình”. Về các điệu múa trong cung đình của Huế hay các điệu múa trong nghi lễ tín ngưỡng ở miền Bắc, anh cho rằng các điệu này không dễ để nhiều người cùng học và thể hiện.
Nghệ sĩ Kim Quy nhận xét: “Với nhảy múa cộng đồng, người Việt mình có vẻ hơi rụt rè. Vì thế quan trọng là sau khi tìm được điệu nhảy để phổ biến, phải làm sao để duy trì thường xuyên. Bởi lâu nay ta hay gặp tình trạng lúc đầu hào hứng nhưng dần dà giảm đi”. Bà gợi ý: “Gọi là điệu nhảy đặc trưng VN thì nên chọn một số động tác của dân tộc Kinh đưa vào, tiêu biểu nhưng đơn giản, dễ học. Âm nhạc cũng là vấn đề quan trọng. Tiết tấu phải sôi động, giai điệu phải hay thì khi kết hợp mới cuốn hút”.
Khác với ý kiến của những nghệ sĩ có thâm niên, biên đạo trẻ Phạm Minh Hải (dàn dựng nhiều màn trình diễn flashmob cho nhiều thương hiệu của VN) cho rằng: “Điệu nhảy đặc trưng VN phải diễn tả được tính cách của con người VN theo hướng tích cực nhất: vui vẻ, mến khách, năng động... Do đó, động tác cũng không cần quá đặc thù dân tộc VN, vì như vậy sẽ khó thu hút được giới trẻ tham gia, trong khi giới trẻ chính là cầu nối giữa đất nước với thế giới nhanh nhất”.
“Vũ điệu cồng chiêng gây sốt bởi nó có gì đó tân thời, phù hợp với sở thích giới trẻ trong và ngoài nước. Vậy nên để có điệu nhảy đặc trưng VN thu hút bất kể người trong nước hay nước ngoài, theo tôi chúng ta không nên bảo thủ. Có thể sử dụng âm nhạc VN hiện đại, hòa âm phối khí mang xu hướng thế giới. Trên nền đó, điệu nhảy có thể sáng tạo từ những điệu vốn có của các vùng miền, từ nhảy sạp chẳng hạn. Nghĩa là phải tìm hiểu kỹ những động tác cơ bản rồi mới phát triển, sáng tạo cho phù hợp, làm cho người ta thích thú thật sự chứ không phải thích chỉ vì nó mới”.
Hoàng Rob, 26 tuổi, chuyên viên Bộ VH-TT-DL
“Tôi nghĩ có thể dựa trên điệu nhảy Chăm để phát triển, vì động tác tay là chủ yếu, không phức tạp, dễ gây hứng thú và ai cũng có thể bắt nhịp theo. Quan trọng là âm nhạc phải thật hay và kích thích được mọi người tham gia”.
Lê Văn Hoàng, 31 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa (TP.HCM)
“Vũ điệu cồng chiêng” trong ca khúc Ngày mai do Tóc Tiên biểu diễn đã gây sốt trong giới trẻ Ảnh: CATS
Dù không trải qua cuộc thi chọn điệu nhảy nào, nhưng “vũ điệu cồng chiêng” với các động tác đơn giản mà lạ mắt, cuốn hút do ca sĩ Tóc Tiên thể hiện trong ca khúc Ngày mai (sáng tác: Lưu Thiên Hương) tại live show 4 của chương trình The remix - Hòa âm ánh sáng (2015) đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình trong giới trẻ.
Tóc Tiên ngay sau đó đã làm clip hướng dẫn 3 động tác nhảy của vũ điệu này, rồi tổ chức cuộc thi cover “vũ điệu cồng chiêng” cho người hâm mộ. Vũ điệu này lập tức được cover hàng loạt, từ nhảy đơn/đôi đến nhóm, từ nhảy đúng bài đến cải biên hài hước, từ người trong nước đến nước ngoài. Hiện “vũ điệu cồng chiêng” được xem là điệu nhảy VN được cover nhiều nhất cho đến nay và vẫn đang được giới trẻ thể hiện rất nhiều trong các dịp liên hoan, hội hè.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.