Cuộc gặp gỡ và trao đổi khoa học cùng PGS.TS Christina Laffin (Đại học British Colombia, Canada) được tổ chức ngày 15.12 tại Khoa Văn học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM). PGS.TS Laffin là chuyên gia về văn học cổ trung đại Nhật Bản, vấn đề phụ nữ, thể loại nhật ký du hành, văn học so sánh và phê bình sinh thái. Bà đã tham gia tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về văn học ở Canada và Mỹ.
PGS.TS Christina Laffin trong buổi tọa đàm |
N.v |
Trong cuộc tọa đàm này, PGS.TS Christina Laffin tái hiện cuộc sống gắn liền với sinh thái ở Canada, giới thuyết về phê bình sinh thái và nhân học môi trường. Từ đó, bà phân tích mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong các tác phẩm văn học trung đại Nhật Bản. Suốt tiến trình văn chương Nhật từ thời cổ điển đến hiện đại, thiên nhiên vốn đã hiện diện, để lại dấu ấn sâu sắc trên những trang viết và bộc lộ cảm quan sinh thái mạnh mẽ của con người ở xứ sở Mặt trời.
Diễn giả tọa đàm gợi mở việc đọc và thưởng thức các tác phẩm cổ xưa của người Nhật viết về tự nhiên có thể giúp ích cho chúng ta trong bối cảnh Trái đất đang nóng dần lên, vấn đề biến đổi khí hậu lan rộng trên toàn cầu như hiện nay. Tâm thế an nhiên, đầy lạc quan khi đối mặt với thảm họa thiên nhiên thường trực của người Nhật được thể hiện trong thơ ca là một liệu pháp tinh thần quý báu giúp chúng ta có thể giữ thái độ điềm tĩnh, vượt qua nỗi lo âu, hoang mang để đối mặt và giải quyết dần dần tình trạng khủng hoảng sinh thái toàn cầu hiện nay, bắt đầu từ những hành động nhỏ thường ngày của từng cá nhân trong việc ứng xử với thiên nhiên, tăng cường tái sử dụng và tái chế các vật phẩm có nguy cơ làm ảnh hưởng đến môi trường. PGS Christina đào sâu vào tác phẩm Nhật ký đêm trăng thứ 16 (Diary of the Sixteenth Night Moon) của Nun Abutsu, nữ thi sĩ nổi tiếng của Nhật Bản thế kỷ 13. Chuyến du hành 500 km suốt 14 ngày của nhân vật chính trong tác phẩm qua vùng đất Kamakura biểu hiện sự gắn kết giữa ngôn từ nghệ thuật với sinh thái, mỹ thuật, văn hóa.
Diễn giả và người tham dự tạo nên cuộc thảo luận sôi nổi về lý thuyết và quan niệm sinh thái; về vấn đề sinh thái trong văn học Việt Nam nhìn từ góc độ so sánh với văn học Nhật Bản, Canada và các nước trên thế giới; về việc lan tỏa tình yêu thiên nhiên từ văn học đến thực tiễn đời sống. TS Nguyễn Thị Phương Thúy, Ths Ngô Trà Mi (Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV TP.HCM), Ths Nguyễn Thị Lam Anh (dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản) đã giới thiệu đến PGS Laffin những tác giả tiêu biểu, thể hiện sự gắn bó với sinh thái mạnh mẽ trong văn học Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư…
Bình luận (0)