Tìm kiếm sự sống trên những thế giới từ lâu đã biến mất

04/05/2020 20:00 GMT+7

Vào thời điểm các đài thiên văn thế hệ kế tiếp được đưa vào hoạt động, đội ngũ chuyên gia của Đại học Cornell (Mỹ) bắt đầu theo đuổi giấc mơ tìm kiếm sự sống ở những hành tinh đang xoay quanh các ngôi sao chết.

Trong vài năm nữa, nhân loại có thể tiến thêm một bước gần đến mục tiêu tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất. Dự kiến Đài thiên văn học cực lớn chuẩn bị hoàn tất tại sa mạc Atacama ở phía bắc Chile và kính viễn vọng không gian James Webb sẽ được phóng vào vũ trụ trong năm sau.
Trong thời gian chờ đợi, các nhà thiên văn học Mỹ đã vạch sẵn kế hoạch tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên những hành tinh giống Trái đất đi ngang qua các sao lùn trắng.
Theo báo cáo trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters, đội ngũ nghiên cứu của Đại học Cornell đã trình bày những phương pháp và kỳ vọng của họ trong nỗ lực săn lùng dấu vết của sự sống ngoài Trái đất, dù quá khứ hay hiện tại.

Nhân loại từ lâu luôn tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất

NASA

Sự sống thứ hai

Các chuyên gia của Đại học Cornell cho rằng đây là dạng hành tinh có thể tồn tại theo sau cái chết của sao trung tâm, lúc này đã biến thành sao lùn trắng sau khi cạn kiệt hết năng lượng và sụp đổ.
Theo lý thuyết, sự sống ắt hẳn sẽ bị quét sạch khỏi các hành tinh này vào thời điểm sao trung tâm giẫy chết, nhưng cái gọi là “sự sống thứ hai” có lẽ sẽ một lần nữa trỗi dậy từ đống tro tàn.

Mặt trời nhiều khả năng sẽ trở thành sao lùn trắng khi đốt hết nhiên liệu

NASA

Để có thể phát hiện được các chỉ số phản ánh sự tồn tại của sự sống trên các hành tinh mục tiêu, nhóm chuyên gia tập trung vào việc theo dõi chúng vào thời điểm đi ngang sao lùn trắng.
Nhờ vào các đài thiên văn và kính viễn vọng thế hệ mới, họ kỳ vọng sẽ tìm được những chỉ số phản ánh có sự sống tồn tại trên bề mặt hành tinh, chẳng hạn như khí methane kết hợp với ozone hoặc nitrous oxide, các dạng khí và hợp chất có trong khí quyển Trái đất.

Kính viễn vọng không gian James Webb được kỳ vọng sẽ mở ra các cánh cửa mới cho nỗ lực thám hiểm không gian

NASA

“Nếu chúng tôi có thể tìm được những dấu hiệu của sự sống trên những hành tinh đang xoay quanh các ngôi sao đã chết từ lâu, câu hỏi kế tiếp sẽ là phải chăng sự sống vẫn có thể tồn tại bất chấp sao trung tâm lâm vào cảnh tàn lụi, hoặc bị tuyệt diệt và sau đó quay lại”, theo nhà thiên văn học Lisa Kaltenegger của Đại học Cornell.
Câu trả lời rất quan trọng vì qua đó nhân loại có thể sẽ hình dung được viễn cảnh tương lai. Mặt trời của chúng ta sau nhiều tỉ năm nữa sẽ trở thành sao lùn trắng một khi tiêu hao hết nhiên liệu. Và Trái đất sẽ bị đẩy vào tình trạng như những hành tinh mà chúng ta đang chuẩn bị nghiên cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.