Tìm lại dấu xưa: Đốc phủ sứ khét tiếng Nam kỳ

06/03/2024 07:26 GMT+7

Ngay khi quân Pháp đặt chân lên đất Nam kỳ, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổi lên chống quân xâm lược. Trong khi đó lại có những kẻ nhanh chóng theo chân giặc, tiếp tay kẻ thù giết hại đồng bào mình. Một trong những kẻ đó là Trần Bá Lộc, khét tiếng tàn ác.

KỲ LẠ NGÔI MỘ CHÔN ĐỨNG

Nằm cạnh dòng sông ở TT.Cái Bè (H.Cái Bè, Tiền Giang), một ngôi mộ được thiết kế theo dạng hình tháp cao chừng 4 m trên khu đất rộng, xung quanh có hàng rào hình nhân rất lạ. Gần đỉnh tháp có bức tượng thiên thần chắp tay cầu nguyện và ở mặt trước ngôi mộ có bức tượng bán thân đắp nổi hình một người mặc quân phục, đầu trọc. Đó là ngôi mộ chôn đứng của Trần Bá Lộc.

Tìm lại dấu xưa: Đốc phủ sứ khét tiếng Nam kỳ- Ảnh 1.

Ngôi nhà người dân địa phương cho biết xưa là dinh thự của Trần Bá Lộc

Hoàng Phương

Dù đã tồn tại 125 năm nhưng màu sơn, kiến trúc vẫn còn nổi bật. Chỉ có các bậc tam cấp bị phủ rêu đen. Bao quanh mộ có 12 trụ cột cao khoảng 60 cm, được liên kết với sợi dây xích sắt lớn. Ở 4 mặt tháp có gắn 4 phiến đá ghi những thông tin liên quan đến người trong mộ bằng tiếng Pháp pha lẫn tiếng Việt. Phiến đá chính ghi: "Emmanuel Trần Bá Lộc, Tổng đốc Thuận Khánh". Bên dưới là các hàng chữ nhỏ đã mờ, rất khó đọc, như "thành viên Hội đồng tối cao Đông Dương, Bắc đẩu bội tinh. Sinh ở Cù lao Giêng tháng 2.1839. Mất tại Cái Bè ngày 26.10.1899".

Một phiến đá khác ghi cụ thể những chức vụ mà đương sự từng đảm nhiệm trong thời gian làm tay sai cho Pháp trong gần 40 năm (từ 1861 - 1899). Bắt đầu từ lính quèn rồi lên cai, đội ở Chợ Gạo và Mỹ Tho. Nhờ có công lớn trong các chiến dịch đàn áp khởi nghĩa ở Nam kỳ, Trần Bá Lộc được thăng tri huyện rồi tri phủ Kiến Phong, Đốc phủ sứ Cái Bè, Tổng đốc Thuận Khánh và cuối cùng là thành viên Hội đồng tối cao Đông Dương.

Trên phiến đá còn lại thì ghi chi tiết những "chiến dịch" dày đặc mà đương sự từng tham dự, như các trận Mỹ Tho (1861 - 1865), Vĩnh Long, Cam Bốt (Campuchia - 1867), Sa Đéc - Cần Lố, Rạch Giá (1868), Cai Lậy (1870), Trà Vinh (1872), Tân An - Mỹ Tho - Gò Công (1875), Mỹ Tho (1878), Trabéc Tân An (1883), Tháp Mười (1885 - 1886), Bình Thuận - Khánh Hòa (1886) và Phú Yên (1887).

Đối chiếu các mốc thời gian trên cho thấy Trần Bá Lộc đã tham gia đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Thiên hộ Dương ở Đồng Tháp Mười, truy bắt Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc, đàn áp cuộc khởi nghĩa Tứ Kiệt ở Cai Lậy và Thủ khoa Huân ở Mỹ Tho. Thậm chí, Trần Bá Lộc còn đem quân ra tận Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên… để tham gia trấn áp khởi nghĩa.

Tìm lại dấu xưa: Đốc phủ sứ khét tiếng Nam kỳ- Ảnh 2.

Mặt trước ngôi mộ Trần Bá Lộc

Hoàng Phương

Tìm lại dấu xưa: Đốc phủ sứ khét tiếng Nam kỳ- Ảnh 3.

NHÂN VẬT TẬN TỤY VỚI PHÁP

Vào những năm cuối đời, Trần Bá Lộc có công xây dựng một số con đường ở Cái Bè và đào một hệ thống kinh dài khoảng 100 km, trong đó có con kinh dài gần 47 km, rộng 10 m, xuyên Đồng Tháp Mười từ vùng Thiên Hộ tới kinh Bà Bèo (H.Tân Phước, Tiền Giang bây giờ) để dẫn nước, xả phèn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và tàu thuyền lưu thông. Khánh thành ngày 27.6.1897 và đặt tên là kinh Tổng đốc Lộc. Năm 1947 chính quyền Việt Minh đổi lại thành kinh Nguyễn Văn Tiếp. Thời Ngô Đình Diệm đổi là kinh Tháp Mười. Sau năm 1975 trở lại là kinh Nguyễn Văn Tiếp, tên của vị Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến tỉnh Mỹ Tho.

Tuy nhiên, so với tội thì công của Trần Bá Lộc rất nhỏ. Trong Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển viết rất dài về Trần Bá Lộc nhưng lại úp mở, không nói rõ tên: "Trong các nhơn vật sớm ra đời, cúc cung làm quan cho Pháp, đáng kể là Tôn Thọ Tường, Huỳnh Công Tấn… Những ông kia cũng thời thế đẩy đưa. Tôi chỉ ghi lại những nhơn vật nảy lửa, nhưng tạm giấu tên".

"Ông thứ nhứt xuất thân đội rồi thăng tri huyện, tri phủ rồi về hưu "hàm tổng đốc". Mộ ông nay ở tỉnh Mỹ Tho. Ông là người đạo Thiên chúa, vì căm thù vua Tự Đức bắt đạo, nên sớm ra giúp Pháp và lập được nhiều công lớn, nhưng về già bị Pháp bỏ rơi. Nhân vật này đã từng cùng với nhơn vật Nguyễn Thân, khét tiếng miền Trung, cả hai đồng thủ vai tuồng đánh bại Mai Xuân Thưởng vùng Bình Định".

Về thủ đoạn tàn ác của Trần Bá Lộc, cụ Sển viết: "Ông bắt được địch thủ, nhứt quyết không cầm tù mà chỉ chặt đầu y quân lịnh: chém người như chém chuối. Để đối phó với các địch binh không ra quy thuận, Lộc sai bắt cha mẹ, vợ con đóng gông, cầm tù. Một mặt bố cáo trong hạn bao nhiêu ngày phải ra nạp mạng, không thì cha mẹ, vợ bị bêu đầu. Dẹp xong giặc, được thăng tổng đốc và được ban tam đẳng Bắc đẩu bội tinh, nhưng chim dữ hết thì ná treo đầu tường, Pháp ngán nên không dùng nữa. Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thân hành xuống nhà thăm thì đã gần miền, chỉ mấy tháng sau là nhắm mắt. Lạ kỳ là trối trăng dạy chôn đứng".

Tìm lại dấu xưa: Đốc phủ sứ khét tiếng Nam kỳ- Ảnh 4.

Phiến đá liệt kê những phần thưởng của chính quyền thuộc địa tặng cho Trần Bá Lộc

Hoàng Phương

Tìm lại dấu xưa: Đốc phủ sứ khét tiếng Nam kỳ- Ảnh 5.

Phiến đá ở mặt chính mộ Trần Bá Lộc

Hoàng Phương

Trong hồi ký Xứ Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer kể về Trần Bá Lộc: "Cao, gầy, nét mặt thông minh và cương nghị, biểu lộ ý chí và quyền lực, Tổng đốc Lộc cho ta ấn tượng của một người có cá tính mạnh mẽ. Ông ta nằm trong số những người bản xứ theo Pháp ngay sau khi chúng ta đổ bộ lên Sài Gòn… Ông ta tham gia vào những trận đánh ác liệt nhứt, bị thương nhiều lần, được tặng thưởng Huân chương quân công và Bắc đẩu bội tinh…".

Trong Nam Kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông, J.C.Baurac đã mô tả về Trần Bá Lộc: "Vóc người cao lớn, mảnh khảnh, gương mặt thanh tú nhưng hơi dữ, không có râu, môi mỏng, hói, trán rộng, mũi ít vẻ người An Nam, cổ khá dài, cặp mắt dò xét và nghi ngờ, luôn chỉn chu trong những bộ trang phục khác nhau, dáng đi oai vệ. Tổng đốc Lộc làm tất cả những người châu Âu tiếp cận ông có cảm giác nể trọng, sự nể trọng thể hiện bằng cảm giác sợ hãi, khiếp sợ ở người bản xứ". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.