"Ai mà nhớ nơi này cách đây 45 năm trước là rừng rậm hoang vu và cũng 45 năm trước, chúng tôi đã từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc", anh hùng Hoàng Minh Phương bảo vậy.
Là người dân tộc Tày ở xã Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai), năm 1976 ông Phương nhập ngũ khi mới 20 tuổi vào Bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay tách thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái).
Tháng 1.1978, tỉnh Lai Châu thành lập Trung đoàn bộ binh 741. Do thiếu quân nên Bộ Quốc phòng điều động 2 tiểu đoàn của Hoàng Liên Sơn lên tăng cường và ông Phương thuộc quân số Đại đội 5, Tiểu đoàn 64 của Trung đoàn 741 (lúc này thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu), đóng quân ở xã Pa Nậm Cúm (H.Phong Thổ, Lai Châu).
"Chúng tôi ở chốt tiền tiêu cửa khẩu, nhìn bằng mắt thường thấy rõ mọi hoạt động bên kia, thấy họ tập trung xe pháo, binh lính và suốt ngày đêm chĩa loa sang nói xấu ta, đến điếc cả tai. Đêm 16.2 tự nhiên im phăng phắc, chính trị viên tiểu đoàn Tài Văn Khấn lên tận nơi nhắc nhở: Không đêm nay thì sáng mai sẽ xảy ra chiến sự, mọi người phải cảnh giác", ông Phương nhớ lại.
4 giờ sáng 17.2.1979, pháo Trung Quốc bắn như mưa vào chốt. Sau đó là bộ binh tràn qua. Tuy chưa bao giờ nghe tiếng pháo, nhưng là người nhiều tuổi nhất và với vai trò tiểu đội phó, ông Phương động viên mọi người: "Chết vì pháo là rất ngớ ngẩn. Ít nhất phải đổi 1 mạng lấy 10". Lời động viên đã xốc cả chốt kiên cường chiến đấu, bẻ gãy 3 đợt tấn công của địch.
6 giờ sáng, lạ vì tình hình yên ắng, ông Phương tập trung quan sát, thấy xung quanh tự dưng có nhiều... gốc chuối. Bắn một loạt AK vào "gốc chuối" gần nhất, thấy la hét và lăn lốc xuống dưới.
Suốt ngày 18.2 ấy, chốt tiền tiêu bị pháo binh địch bắn phá nhưng vẫn kiên cường đánh trả gần 10 đợt tấn công của địch. Gần trưa, ông Phương bị ĐKZ bắn vào vị trí, ngất lịm trong đống đất. Khi tỉnh dậy, thấy tiểu đội trưởng Hoàng Văn Hóa nằm gục ngay cạnh, đầu vỡ toác nhưng ngón tay vẫn để trong vòng cò khẩu RPD. Tiểu đội hy sinh 6 người. Ông Phương động viên: "Ban ngày, rút là chết. Cố cầm cự đến tối", và lệnh để sẵn lựu đạn trong túi áo, nếu hết đạn mà bị bắt thì giật nổ.
Tìm lại những anh hùng: Người chiến sĩ nổi tiếng với lối đánh tạt sườn
Đến chiều, còn mỗi ông Phương chạy đi chạy lại chiến đấu. 2 thương binh nặng ngồi trong hầm lắp đạn. "Tôi bắn mấy chục quả cối 60 mm đến điếc đặc. Chiều tối, xe tăng địch tràn lên. Tôi bắn quả B40 cuối cùng. Lúc chúng nhốn nháo, tôi ôm 2 thương binh lăn xuống chân đồi, trốn thoát", ông Phương nhớ lại.
Không thể rút theo quốc lộ, ông Phương buộc cây chuối thành bè, cho 2 thương binh ngồi trên và xuôi theo sông Nậm Na sang địa phận Sìn Hồ. Sau mấy ngày đêm dắt, cõng thương binh, thức ăn chỉ là ngọn cây lau, ông cũng đưa được thương binh ra tới trung đoàn ngoài Phong Thổ. "Mọi người ôm chúng tôi khóc, cứ nghĩ là tiểu đoàn bị xóa sổ hết rồi", ông Phương nhớ lại.
Giữa tháng 3.1979, binh nhất Hoàng Minh Phương được phong vượt cấp lên quân hàm trung sĩ. Cuối tháng 12.1979, ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, và về Yên Bái học tiếp lớp 6. Năm 1985, ông làm trợ lý chính sách tại Sư đoàn 326 (Quân khu 2). Năm 1987, chuyển công tác về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn và 1988 thì xin nghỉ mất sức với quân hàm đại úy.
Thời ấy, Cam Cọn là xã vùng sâu của Bảo Yên, nằm giữa vùng đồi núi tiếp giáp dãy Hoàng Liên Sơn và sông Hồng. Người Tày ở Cam Cọn, dù chăm chỉ đến mấy cũng phải gạt nước mắt nhìn lúa ngô bị đất sạt, nước lũ nhấn chìm và để lau lách lấn ruộng. Nhìn 3 đứa con nheo nhóc, vợ vất vả làm ruộng không đủ gạo ăn, ông Phương nghiến răng "phải sống" và vác dao đi... khai hoang
Sáng sớm nắm cơm vác dao, tối mịt mới lếch thếch về đến nhà. Cứ thế mấy năm liền, ông làm sạch được 6 sào đất trồng lúa, hoa màu. Thấy người anh hùng quá vất vả, xã bố trí cho thêm 3 sào đất lúa, cộng với 3 sào có trước của vợ, thế là ông hì hục trồng cấy, biến hoang vu thành vùng cây trái tốt tươi.
Về địa phương, ông tham gia HĐND theo đề nghị của xã. 15 năm làm cán bộ, chức cao nhất là phó chủ tịch HĐND xã nhưng ông chưa khi nào đòi hỏi ưu tiên, chế độ. 3 người con hiện tại của ông, đều tự lập, vươn lên bằng chính sức lực của mình: Con gái Hoàng Thị Hoa (sinh 1983) làm ruộng; con trai Hoàng Văn Thoan (sinh 1985) là cán bộ Văn phòng UBND H.Bảo Yên, đang tăng cường xuống xã Thượng Hà; cậu út Hoàng Minh Hồng (sinh 1991) ở nhà làm thợ xây…
"Từ hồi sân bay Sa Pa được triển khai xây dựng ở Bảo Yên, tôi tham gia ban vận động đền bù giải phóng mặt bằng. Do mình làm Bí thư chi bộ thôn Cọn 2 gần 20 năm, chắc cũng có uy tín, nên thuyết phục, người dân nghe ngay và còn bảo: Ông này là anh hùng, dân tin lắm đấy", Ông Phương nói vậy.
Anh hùng làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
Anh hùng Nguyễn Văn Hòa sinh năm 1953, quê ở thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai (nay là TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Khi được tuyên dương anh hùng là tự vệ tiểu khu.
Năm 1971, Nguyễn Văn Hòa vào bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1975, ông phục viên và tham gia tự vệ ở tiểu khu Lào Cai.
Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược tháng 2.1979, Nguyễn Văn Hòa đã nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực, chủ động đánh địch, thể hiện vai trò nòng cốt trong đơn trị.
Đặc biệt, ngày 19.2.1979, bộ binh địch có số lượng rất đông, được xe tăng yểm trợ mở nhiều đợt tấn công đánh phá ác liệt vào thị xã Lào Cai. Đơn vị không có súng chống tăng, Nguyễn Văn Hòa đã dũng cảm, nhanh chóng vượt qua khu hỏa lực địch bắn rất dữ dội, đến một đơn vị bộ đội ta mượn được khẩu súng B40, rồi nhanh chóng bám sát địch, đuổi theo diệt 2 xe tăng địch...
Gương chiến đấu dũng cảm của ông đã có tác dụng động viên, thúc giục mọi người noi theo. Ngày 20.12.1979, Nguyễn Văn Hòa được tặng danh hiệu anh hùng.
Anh hùng Nguyễn Văn Hòa công tác ở tỉnh Lào Cai, đảm nhiệm đến chức Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và đã nghỉ hưu, hiện đang ở đường Hoàng Liên, P.Kim Tân, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
4 bố con cùng chiến hào
Tên chính xác của ông là Trần Nghiên (chứ không phải là Trần Nghiêm). Ông sinh 1927, khi được tuyên dương anh hùng là chính trị viên khu đội tự vệ tiểu khu Duyên Hải, thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là P.Duyên Hải, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai).
Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược tháng 2.1979, Trần Nghiên đã đi sát mọi người trong đơn vị, động viên giữ vững quyết tâm, kiên quyết đánh địch và chiến đấu dũng cảm, chỉ huy linh hoạt.
Đặc biệt, ngày 17.2.1979, ngay khi phát hiện địch tấn công, Trần Nghiên đã chỉ huy đơn vị bám sát địch, liên tục chiến đấu từ 3 giờ đến 9 giờ sáng, ngăn chặn đường tấn công, tạo điều kiện tốt cho nhân dân sơ tán kịp thời.
Trần Nghiên luôn giáo dục cho các con hăng hái tham gia tự vệ. Trong trận chiến đấu tháng 2.1979. Ông và 3 người con cùng đánh địch và đều dũng cảm lập công. Ngày 20.12.1979, Trần Nghiên được tặng danh hiệu anh hùng. Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, anh hùng Trần Nghiên làm Bí thư chi bộ ở P.Xuân Tăng (TP. Lào Cai) và mất 2002.
Giữ điểm cao 498
Anh hùng Lê Đình Thịnh sinh năm 1955, quê ở xã Hướng Đạo, H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc). Nhập ngũ tháng 11.1974. Khi được tuyên dương anh hùng là chuẩn úy, trung đội trưởng bộ binh, thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 124, Sư đoàn 345, Quân khu 1.
Từ ngày 28.2 đến ngày 1.3.1979, trung đội Lê Đình Thịnh chốt giữ điểm cao 498 (Bảo Thắng, Lào Cai). Địch mở nhiều đợt tấn công hòng chiếm điểm cao, ông đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, chỉ huy đơn vị đánh địch quyết liệt, giành giật với chúng từng đoạn giao thông hào, công sự. Bản thân luôn cơ động trên trận địa, chỉ từng mục tiêu cho anh em đánh trả, giữ vững trận địa. Ngày 20.12.1979, Lê Đình Thịnh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện, anh hùng Lê Đình Thịnh đã nghỉ hưu với quân hàm đại tá và đang ở khu Chùa Hà, xã Định Trung, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
"Gừng càng già càng cay"
Anh hùng Trương Hữu Dem sinh 1932, dân tộc Tày. Quê xã Minh Tâm, H.Nguyên Bình, Cao Bằng. Nhập ngũ tháng 1.1954, xuất ngũ tháng 4.1960. Tái ngũ tháng 1.1966, Trương Hữu Dem tham gia chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh và tháng 11.1977 phục viên với quân hàm trung úy.
Ngày 18.2.1979, dù mới ốm dậy nhưng thấy địch đánh vào xã, Trương Hữu Dem vận động mọi người ở lại bám đất chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, trang bị cho dân quân đánh địch.
Ngày 20.12.1979, Trương Hữu Dem được tuyên dương danh hiệu anh hùng. Sau tháng 2.1979, Anh hùng Trương Hữu Dem tham gia các hoạt động địa phương, là Huyện ủy viên Huyện ủy Nguyên Bình, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tâm (2 khóa), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh và H.Nguyên Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Minh Tâm (Nguyên Bình, Cao Bằng).
Bình luận (0)