Thông điệp hết sức rõ ràng, giản dị nhưng đã “giải trúng huyệt” của thị trường.
Đầu tiên, đứng từ góc độ người nuôi - trồng, chắc chắn chẳng nông dân nào muốn sử dụng các loại hóa chất, chất cấm trong sản xuất. Thế nhưng trồng rau sạch ra bán cho ai, ai tin đó là rau sạch, làm sao cạnh tranh với rau bẩn... là những vấn đề mà tự mỗi nông dân không thể giải quyết được.
Chính sự bấp bênh của thị trường, sự đeo bám của vấn nạn được mùa - mất giá khiến họ làm liều. Nhưng giờ thì những vướng mắc của họ đã được hóa giải. Tham gia chương trình của Vingroup, họ được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, được bao tiêu đầu ra với một tỷ lệ lợi nhuận định mức ổn định, chỉ cần sản xuất sạch.
Thứ hai là người tiêu dùng. Có thể khẳng định, cơn khát thực phẩm sạch chưa bao giờ mạnh mẽ và lan truyền rộng rãi như hiện nay. Nỗi ám ảnh về heo siêu nạc, rau muống tưới nhớt thải, trái cây nhúng hóa chất bảo quản mà hệ quả là những căn bệnh chỉ thấy ở thời đại thực phẩm hóa chất khiến người ta sợ hãi. Tất nhiên, không phải ai cũng làm vậy nhưng uy tín của nông sản Việt bị ảnh hưởng trầm trọng sau những vụ phát hiện sử dụng chất bảo quản, chất cấm trong nuôi - trồng. Không có gì xấu hổ hơn cho nền nông nghiệp của chúng ta khi người Việt sử dụng nông sản, thực phẩm Việt trong nỗi khiếp đảm và cảnh giác cao độ. Cũng vì thế, người ta tìm mọi cách để có thực phẩm sạch. Từ việc tận dụng vài mét vuông trên sân thượng hay ban công trước nhà để trồng rau, nuôi gà, thậm chí nuôi heo, nuôi cá cho tới việc hằng tuần đóng rau, thịt từ quê chở ra thành phố. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế và chỉ một bộ phận rất nhỏ có thể "tự sản, tự tiêu" kiểu này. Còn khắp nơi, người ta phát cuồng lên tìm nguồn thực phẩm sạch. Cơn khát này đã tạo cơ hội cho hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa, đẩy nông sản Việt vào cảnh ế đồng - dội chợ. Đó là nghịch lý đau lòng của một nước nông nghiệp như VN, nông sản bị thất sủng trên chính sân nhà.
Thứ ba về phía Vingroup, chắc chắn có người sẽ đặt câu hỏi, vậy Vingroup được gì khi bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng thực hiện chương trình thúc đẩy nông nghiệp Việt và trước đó là đồng hành với các nhà sản xuất? Nông nghiệp, ngay cả ứng dụng cơ giới hóa và kinh doanh một cách sòng phẳng cũng đầy rủi ro chứ đừng nói tới chuyện bao tiêu cho hàng ngàn hộ nông dân, HTX và chiết khấu bằng 0% cho các nhà sản xuất.
Nếu chỉ bán rau, thịt sạch, Vingroup lỗ chắc. Nhưng với một tập đoàn lớn, lợi nhuận không chỉ nằm ở phép tính cụ thể. Người đứng đầu tập đoàn này đã hơn một lần nói, ông đầu tư vào nông nghiệp là vì sự an toàn và sức khỏe của người Việt. Tuy nhiên, thực tế chương trình này đang mang lại cho Vingroup nói riêng và kinh tế VN nói chung những kết quả bất ngờ. Với Vingroup, là "lính mới" trên thị trường bán lẻ nhưng giờ đây tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác trên cả nước, Vinmart, Vinmart+ (thuộc Vingroup) trở thành địa chỉ tin cậy cho hàng triệu bà nội trợ tìm đến mua thực phẩm sạch. Ở hầu hết các điểm, cứ cuối giờ chiều là rau quả bị "vét" sạch. Không quá lời khi nói, nông sản - thực phẩm sạch là yếu tố lớn nhất kéo người tiêu dùng đến với hệ thống bán lẻ của Vingroup.
Tương tự, ở bất kỳ quốc gia nào, hệ thống phân phối chính là huyết mạch của nền kinh tế. Mất phân phối là sản xuất bị hất cẳng. Minh chứng rõ nhất là ở các siêu thị ngoại tại VN hiện nay, hàng Việt đã bị thay thế bằng hàng hóa của nước ngoài. Vì vậy, một hệ thống phân phối nội đủ lớn để làm đối trọng với các tập đoàn nước ngoài; để hàng hóa, thương hiệu Việt có chỗ đứng là yêu cầu bức thiết.
Đột phá vào thực phẩm sạch - "cái thị trường cần", Vingroup đang từng bước giành lại thị trường cho các nhà sản xuất trong nước. Quan trọng hơn, chương trình này đã liên kết, lan tỏa và từng bước xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản - thực phẩm Việt.
Bình luận (0)