Tìm lối đi riêng để Nam Định thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng sống

06/03/2024 22:10 GMT+7

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Nam Định cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng sống.

Ngày 6.3, tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024.

Dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các lãnh đạo T.Ư, địa phương, đại sứ quán các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Ấn Độ… cùng hơn 100 đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tìm lối đi riêng để Nam Định thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng sống- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (thứ 2 từ phải qua) trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Nam Định

CÙ HIỀN

Vốn quý nhất để Nam Định phát triển là nguồn nhân lực và nhân tài

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Nam Định là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và hiếu học; nơi dựng nghiệp của vương triều Trần, là triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 3 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy.

Tìm lối đi riêng để Nam Định thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng sống- Ảnh 2.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

CÙ HIỀN

Đây cũng là quê hương của nhiều nhân tài, danh tướng, văn nhân và lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước; cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân, đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, vốn quý nhất để Nam Định phát triển không phải là những lợi thế về đất đai, tài nguyên thiên nhiên mà chính là ở nguồn nhân lực và nhân tài của vùng đất hiếu học, lá cờ đầu của giáo dục cả nước, địa phương có gần 30 năm trong top đầu cả nước về kết quả giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn.

Phát huy những lợi thế đó, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao và tinh thần đổi mới sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của Nam Định đạt 10,19%, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/người, tăng 12%. Nam Định là điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo của tỉnh liên tục ở tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng trong gần 3 thập kỷ qua.

"Nam Định được xác định sẽ là một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng nam đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng. Từ định hướng đó, quy hoạch tỉnh Nam Định có vai trò đặc biệt quan trọng, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng", ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng, để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, tỉnh cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để Nam Định trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng sống.

"Với nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm năng lớn về năng lượng sạch, Nam Định cần lựa chọn các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức có giá trị gia tăng cao. Điều đó phải được cụ thể hóa bằng các bộ tiêu chí xanh về hạ tầng, công nghệ, suất vốn đầu tư và mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số", Phó thủ tướng cho hay.

3 vùng kinh tế động lực, 4 trung tâm đô thị động lực

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nhấn mạnh tới vị trí đắc địa của tỉnh Nam Định trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ.

Theo ông Nghị, tỉnh Nam Định nằm ở vị trí quan trọng về giao thông, trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy quan trọng của vùng. Từ xa xưa, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) từng là 1 trong 3 đô thị đầu tiên của Bắc bộ và được biết đến là "thủ phủ ngành dệt may" của cả nước.

Tìm lối đi riêng để Nam Định thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng sống- Ảnh 3.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định

CÙ HIỀN

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng cho biết, sau 10 năm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều yếu tố mới cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đã tác động tích cực đến tỉnh Nam Định.

Do đó, một số chỉ tiêu và định hướng phát triển theo Quy hoạch này đến năm 2030 đã không còn phù hợp. Với bối cảnh và thực tế phát triển địa phương, nhiệm vụ cấp bách là triển khai nghiên cứu và xây dựng Quy hoạch tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021- 2030 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các mục tiêu phát triển của tỉnh Nam Định.

Đến tháng 12.2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1729 về Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh về những cơ hội phát triển mới; thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao về những nỗ lực xây dựng và phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, Chính phủ cũng nhận thấy vai trò quan trọng của tỉnh trong sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, các tam giác, và hành lang tăng trưởng của khu vực Bắc bộ cũng như toàn quốc.

Cũng theo ông Nghị, tầm nhìn đến 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.

Tìm lối đi riêng để Nam Định thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng sống- Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc phát biểu tại hội nghị

CÙ HIỀN

Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc, quy hoạch tỉnh được phê duyệt với "3 vùng kinh tế động lực, 4 trung tâm đô thị động lực, 5 hành lang kinh tế, 7 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển" là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; sắp xếp không gian; phân bổ nguồn lực; khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư; phấn đấu đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam đồng bằng sông Hồng.

Đến 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, trở thành động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng.

Tìm lối đi riêng để Nam Định thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng sống- Ảnh 5.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định ký ghi nhớ đầu tư với 9 nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh

CÙ HIỀN

Nam Định trao quyết định đầu tư cho 7 dự án với tổng số vốn gần 420 triệu USD

Tại hội nghị, tỉnh Nam Định cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư cho 7 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 420 triệu USD; ký bản ghi nhớ đầu tư với 9 nhà đầu tư để triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái... Đây đều là những dự án quan trọng, có số vốn đầu tư lớn và tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đề nghị các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện công tác khảo sát, nghiên cứu, lập dự án để hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định, cụ thể hóa từ bản ghi nhớ hôm nay thành công trình thực tế; đồng thời, yêu cầu các cấp chính quyền trong tỉnh; các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện để sớm đưa các dự án vào hoạt động, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Nam Định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.