Tìm lối ra cho nông nghiệp TP.HCM

05/11/2022 06:01 GMT+7

Rất khó để khẳng định TP.HCM nên hay không nên giữ đất làm nông nghiệp.

Vấn đề này đã được đặt ra khá lâu và luôn có nhiều quan điểm trái chiều nhưng ý kiến nào cũng có lý lẽ riêng của mình.

Người ủng hộ bỏ thì cho rằng rất “nghịch lý và lãng phí” khi duy trì trồng lúa, làm nông ở TP lớn nhất cả nước, được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế tài chính tầm khu vực. Thực tế cho thấy, đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (gần 54%) nhưng tạo ra giá trị chưa tới 1% nên đa số người dân bỏ hoang đất, làm mồi cho nạn phân lô, bán nền, xây dựng trái phép... Thế nên có thể nói, việc ủng hộ xóa trắng đất nông nghiệp ở TP.HCM không phải là không có cơ sở, nhất là khi so sánh với giá trị tạo ra trên đất thương mại, dịch vụ, công nghiệp, đô thị. Ngược lại, cũng không ít ý kiến nhấn mạnh TP phải giữ lại đất nông nghiệp vì đấy chính là mảng xanh cần thiết cho một đô thị có tốc độ bê tông hóa rất nhanh. Ý kiến này cũng không sai. Hơn ai hết, người dân TP đều cảm nhận rất rõ khí hậu, môi trường sống của chính họ ngày càng ngột ngạt hơn, ô nhiễm hơn.

Nhìn ra thế giới có thể thấy nhiều đô thị lớn vẫn quy hoạch một tỷ lệ đất nhất định cho nông nghiệp, đặc biệt là sau dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm trên thế giới bị đứt gãy. Ngay gần chúng ta, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu đang chiếm tới 90%, Chính phủ Singapore mới đây đã đề ra chiến lược 30 - 30, có nghĩa là tự đảm bảo 30% nhu cầu về thực phẩm vào năm 2030. Theo đó, nước này hợp tác với Hà Lan để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Những ánh đèn led màu hồng là một trong những cải tiến đang được áp dụng để trồng rau tại trang trại thẳng đứng GroGrace (Singapore). Với diện tích chỉ gấp rưỡi một sân bóng rổ, nhưng mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường 33 tấn rau xanh. Sản lượng này cao hơn khoảng 4 lần so với các trang trại trong nhà thông thường. Chiến lược nông nghiệp đô thị cũng được áp dụng ở Malaysia từ năm 2014 thông qua việc thành lập các cộng đồng nông dân đô thị. Cụ thể, người dân đô thị tận dụng các khoảng trống xung quanh nhà để trồng trọt. Mục tiêu của nước này là tạo ra 20.000 cộng đồng nông dân đô thị vào năm 2030 so với con số 11.000 tính đến cuối năm 2021.

Quay lại với TP.HCM, việc đứt gãy phân phối rau quả, thực phẩm khi TP phải phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 lây lan năm ngoái cho thấy tự chủ một phần về lương thực - thực phẩm vẫn là yêu cầu cần thiết của đô thị đông dân nhất cả nước này. Vì vậy, vấn đề cần đặt ra với TP.HCM có lẽ là nên duy trì tỷ lệ đất nông nghiệp là bao nhiêu thì hợp lý? Trên cơ sở đó, quy hoạch bài bản thay vì thỉnh thoảng lại xin chuyển đổi vài ngàn hay vài chục ngàn héc ta đất lúa sang đất khác. Và với tỷ lệ đó, TP định hướng phát triển nông nghiệp như thế nào để tạo ra giá trị cao nhất thay vì tranh luận nên hay không nên trồng lúa, làm nông như lâu nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.