Khác với chứng minh nhân dân trước nay, thẻ căn cước mới yêu cầu bắt buộc phải có ngày tháng năm sinh, chứ không chấp nhận chỉ ghi năm sinh.
Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (PC64), Công an TP.HCM cho biết đã gặp nhiều trường hợp hộ khẩu và giấy khai sinh đều không có ngày, tháng sinh; những người này đều buộc phải ra về để bổ sung hồ sơ.
|
Chứng minh nhân dân có thể chỉ có năm sinh, nhưng căn cước phải ghi rõ cả ngày tháng năm sinh
|
Thượng tá Cao Văn Đen, Phó trưởng phòng PC64, Công an TP.HCM, cho biết: Khi đến làm căn cước công dân (CCCD), công dân phải cung cấp đầy đủ thông tin về ngày, tháng, năm sinh. Nếu không nhập dữ liệu này vào thì hệ thống sẽ từ chối cấp.
Trong khi đó, trên thực tế có rất nhiều công dân dùng CMND đã được cấp trước đây lại không ghi ngày, tháng sinh. Theo thượng tá Đen, những trường hợp này phải làm thủ tục bổ sung hộ tịch để có ngày, tháng sinh trong khai sinh, từ đó sẽ ghi ngày, tháng sinh trong sổ hộ khẩu rồi mới tiến hành xin cấp CCCD.
Không xác định được thì ghi ngày 1 tháng 1
Trường hợp chưa có giấy khai sinh thì phải làm thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn theo quy định tại điều 45 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Về thủ tục bổ sung ngày, tháng sinh trong giấy khai sinh cụ thể như sau: Trong trường hợp giấy khai sinh của một người chỉ ghi năm sinh, không ghi ngày, tháng sinh, mà có yêu cầu bổ sung, thì ngày, tháng sinh được ghi theo giấy chứng sinh; nếu không có giấy chứng sinh, thì ngày, tháng sinh được xác định như sau: Đối với người chưa có hồ sơ, giấy tờ cá nhân ghi về ngày, tháng sinh, thì ngày, tháng sinh được xác định theo văn bản cam đoan của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ (đối với trẻ em dưới 6 tuổi); hoặc theo lời khai của người yêu cầu bổ sung, có xác nhận của người làm chứng (đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên).
Đối với những người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: sổ hộ khẩu, CMND, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên mà trong các hồ sơ, giấy tờ đã ghi thống nhất về ngày, tháng sinh, thì xác định theo ngày, tháng sinh đó.
Trường hợp ngày, tháng sinh ghi trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất, thì xác định theo ngày, tháng sinh trong hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh theo hướng dẫn trên đây thì ngày, tháng sinh là ngày 1 tháng 1.
Tháo gỡ những vướng mắc
Theo trung tá Trần Đình Long, Đội trưởng Đội Đổi cấp, quản lý CMND và giấy tờ đi lại khác (PC46), thời gian qua, nơi đây tiếp nhận nhiều trường hợp sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, CMND đều không có ngày, tháng sinh; trong đó có không ít trường hợp ông, bà cụ từ 70, 80, 90 tuổi hoặc người ngồi xe lăn.
Chứng kiến những trường hợp này, anh em đều muốn giải quyết cho họ nhưng theo quy định thì không thể tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD được vì hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư buộc phải có ngày, tháng, năm sinh mới nhập được.
Thực tế, phần lớn trường hợp thiếu ngày, tháng sinh lại rơi vào người lớn tuổi, mà nhiều người lớn tuổi lại không đủ điều kiện kinh tế, sức khỏe về quê gốc (nơi đăng ký khai sinh) để đến UBND phường, xã, thị trấn đề nghị bổ sung ngày, tháng sinh. Do vậy nhiều tỉnh, thành đã có công văn đề nghị Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Bộ Công an hướng dẫn thực hiện bổ sung ngày, tháng sinh.
Sau đó, C72 có hướng dẫn PC64 các tỉnh, thành thực hiện: Nếu trường hợp công dân không có điều kiện về nơi đăng ký trước đây để đề nghị cấp lại giấy khai sinh thì có thể ủy quyền cho người khác như quy định tại điều 10, Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27.12.2015 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định về việc ủy quyền: “Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền”.
Cũng theo trung tá Trần Đình Long, nếu thông tin trên hộ khẩu và CMND không trùng khớp về quê quán, ngày tháng năm sinh, họ tên... thì người dân quay về công an quận, huyện yêu cầu chỉnh sửa lại thông tin đúng vào hộ khẩu để đến làm thẻ căn cước.
Liên quan đến việc xin cấp thẻ căn cước nhưng không nhớ rõ ngày tháng, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực thuộc Bộ Tư pháp, cho biết Nghị định 123/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Hộ tịch và Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết một số điều của luật Hộ tịch có đề cập đến vấn đề này.
Theo đó, nếu trong trường hợp chỉ xác định năm sinh mà không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm đó. Trong trường hợp chỉ xác định được năm và tháng sinh không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 1 của tháng đó.
“Trước đây khi chưa có Nghị định 123/2015, các cơ quan nhà nước đã áp dụng Nghị định 158/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch cũng với tinh thần tương tự, nhiều trường hợp đã được tháo gỡ, không chỉ đối với giấy tờ hộ tịch mà cả giấy CMND”, ông Khanh cho hay.
Mất thẻ căn cước không cần làm đơn cớ mất
Từ đầu năm 2016, PC64, Công an TP.HCM đã triển khai thực hiện quy định mới là người dân bị mất giấy CMND hoặc thẻ căn cước thì không cần làm đơn cớ mất (có xác nhận của công an địa phương) như trước đây nữa mà chỉ cần mang hộ khẩu đến PC64 hoặc công an quận, huyện làm lại thẻ căn cước.
|
Bình luận (0)