Giờ đây, nhóm muốn có một cuốn sách nghiên cứu về đình, do chính mình thực hiện. Theo kế hoạch, nhóm biên soạn đã mời một số nhà nghiên cứu chuyên sâu để cùng xây dựng bản thảo. Chẳng hạn, PGS-TS Đinh Khắc Thuân (Viện Hán Nôm) chịu trách nhiệm phần văn bia ở đình làng, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chịu trách nhiệm phần mỹ thuật.
Về kinh phí, ông Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên nhóm, cho biết: “Hiện nay cứ xây dựng bản thảo. Sau đó sẽ gửi các nhà xuất bản, nhà tài trợ in, hoặc kêu gọi thành viên đặt mua trước trả sách sau. Nếu chờ tài trợ chắc không thể làm được”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ, cũng vừa ra mắt hai cuốn sách nghiên cứu về tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ. Cách thức làm của bà cũng tương tự. Tự bỏ công của đi nghiên cứu điền dã, thậm chí đi tìm tư liệu ở nước ngoài rồi gửi nhà xuất bản in. Khi nhà xuất bản in, bà sẽ có chút tiền nhuận bút. Tuy nhiên, nó không đáng kể với những gì đã bỏ ra. “In ra thì có chút công, so với công mình bỏ ra thì lỗ hoặc giỏi là huề. Nhưng sách tranh VN ít cuốn tử tế nên tôi muốn làm cho thật đẹp, sau đó mọi người sẽ làm dòng sách này có trách nhiệm hơn. Ở nước ngoài những sách thế này người ta làm đẹp lắm”, bà Hòa chia sẻ. Bà cũng cho biết, sách bán chạy.
In ra thì có chút công, so với công mình bỏ ra thì lỗ hoặc giỏi là huề. Nhưng sách tranh VN ít cuốn tử tế nên tôi muốn làm cho thật đẹp, sau đó mọi người sẽ làm dòng sách này có trách nhiệm hơnBà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ |
Trong khi đó, cuốn Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại mới xuất bản năm ngoái lại là cuốn sách được tài trợ. Trước đó, nhóm nghiên cứu của TS Lê Thị Minh Lý, Th.S Trần Thùy Ngân đã nghiên cứu 3 năm để kiểm kê di sản văn hóa Hà Nội. Đây là dự án thực hiện cùng Sở VH-TT Hà Nội. Sau khi kiểm kê, các di sản lại được nhóm nghiên cứu viết thành sách kỹ lưỡng hơn, giàu chi tiết hơn. Cuối cùng, Trung tâm thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới sự bảo trợ của UNESCO (ICHCAP) đã tài trợ để in cuốn sách này. Sách không bán mà chỉ biếu tặng.
Những cuốn sách di sản kể trên khiến người ta đặt nhiều câu hỏi về việc tài trợ làm sách di sản. Trước đó, một lượng lớn sách của dự án “Bách khoa thư văn hóa dân gian” do Hội Văn nghệ dân gian VN chủ trì, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in, đã xuất hiện ở hàng sách cũ với giá thu mua như giấy vụn. Dự án này được đầu tư tới 150 tỉ đồng. Không ai lý giải được sự xuất hiện của chúng tại các hàng sách cũ như trên.
Về nguồn lực cho sách di sản, TS Lê Thị Minh Lý cho rằng các cá nhân tổ chức nên thử sức với việc kêu gọi tài trợ quốc tế để sách được đầu tư bài bản, hiệu quả, hấp dẫn độc giả hơn. Mặc dù vậy, hoàn toàn có thể nghĩ đến những quỹ từ ngân sách cho làm sách di sản. Chỉ có điều, việc tuyển chọn sách để in phải được thực hiện công khai và bài bản.
Bình luận (0)