Sách Đại Nam liệt truyện ghi: "Lương Văn Chánh người H.Tuy Hòa (Phú Yên). Tiên tổ người Bắc Hà. Lúc trước, Văn Chánh làm quan nhà Lê, đến chức Thiên Võ vệ đô chỉ huy sứ. Đầu năm Mậu Ngọ (1558) theo Thái tổ (Nguyễn Hoàng) vào Nam. Khoảng năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp. Văn Chánh tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Thành Hồ". Dù "tiên tổ là người Bắc Hà", nhưng chưa rõ ông ở xã, thôn, thuộc tỉnh, phủ, huyện nào.
Trong Gia phả Lương Văn Chánh, cũng không nói đến nguyên quán, nhưng có hai văn kiện nói đến địa điểm đền thờ Lương Văn Chánh:
1) Sắc phong năm 1822 cho làm "Thượng đẳng thần và vẫn cho xã Phụng Các, huyện Đồng Xuân thờ cúng".
2) Sắc gia phong năm 1843 cho làm "Thượng đẳng thần và vẫn cho xã Phụng Tường, huyện Tuy Hòa thờ cúng". Vậy Phụng Các (Đồng Xuân) và Phụng Tường (Tuy Hòa) là hai nơi khác nhau sao?
Khi tra trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn tỉnh Phú Yên thấy 2 tên xã huyện Phụng Các và Phụng Tường chỉ một địa điểm. Vì giữa thời điểm 2 sắc phong kể trên đã có sự đổi tên từ Phụng Các ra Phụng Tường và từ H.Đồng Xuân chuyển sang H.Tuy Hòa.
Trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - trấn Thanh Hoa có ghi tóm tắt địa bạ 3 thôn của xã Phượng Lịch và xã Hội Triều, đều thuộc tổng Bái Cầu, H.Hoằng Hóa (phủ Hà Trung):
Thôn Phượng Lịch (xã Phượng Lịch). Đông giáp thôn Đông (xã Đông Hà), thôn Nghĩa Lập, thôn Phú Lễ, thôn Bảo Long, thôn Thụy Liên. Tây giáp xã Thứ Nhất. Nam giáp thôn Nghĩa Lập. Bắc giáp xã Khê Xả.
Thôn Phú Lễ (xã Phượng Lịch). Đông giáp thôn Phục Lễ. Tây giáp xã Đại Trung. Nam giáp thôn Phục Lễ. Bắc giáp thôn Nghĩa Lập.
Thôn Nghĩa Lập (xã Phượng Lịch). Đông giáp thôn Phục Lễ, xã Hữu Cầu, thôn Bảo Long. Tây giáp thôn Ông Hòa, xã Đại Trung. Nam giáp thôn Phục Lễ. Bắc giáp thôn Phượng Lịch.
Xã Hội Triều. Đông giáp xã Khúc Phụ và biển. Tây giáp thôn Phong Mỹ. Nam giáp thôn Bảo Long. Bắc giáp xã Liên Châu, thôn Phục Lễ.
Như vậy có xã Phượng Lịch đã chia ra 3 thôn và xã Hội Triều riêng biệt. Sự tồn tại của xã Phượng Lịch quan trọng hơn xã Hội Triều nhiều, được ghi rõ trên bản đồ Đồng Khánh địa dư chí.
Trên bản đồ H.Hoằng Hóa trích sách Đồng Khánh địa dư chí, chúng ta thấy có ghi: 1) Tổng Bái Cầu. 2) Ba thôn Phượng Lịch, Phú Lễ, Nghĩa Lập (cùng chia ra từ xã Phượng Lịch). 3) Xã Hội Triều. Ba thôn Phượng Lịch (đổi ra Phượng Ngô), Phú Lễ, Nghĩa Lập và xã Hội Triều được ghi rõ trên bản đồ Đông Dương tỷ lệ 1/100.000 của sở Địa dư ấn hành năm 1954.
Đối chiếu với bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hóa ngày nay, xã Phượng Lịch xưa (gồm cả 3 thôn Phượng Ngô - Phú Lễ - Nghĩa Lập) nằm trong địa bàn xã Hoằng Lưu, H.Hoằng Hóa nay. Còn xã Hội Triều, tuy cũng có họ Lương nhưng không phải tiên tổ trực hệ của Lương Văn Chánh, thì nay nằm trong địa phận xã Hoằng Phong. Xưa kia, xã Phượng Lịch và xã Hội Triều giáp giới nhau.
Quận công Lương Văn Chánh có nguyên quán ở xã Phụng (cũng âm là Phượng) Lịch (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và trú quán ở Phụng Các (Phú Yên). Phụng Lịch sau đổi ra Phụng Ngô, Phụng Các đổi ra Phụng Tường. Giữa nguyên quán và trú quán (coi như quê hương lúc sinh thời) của Quận công Lương Văn Chánh ắt có nhiều mối quan hệ thân thiết.
Quận công Lương Văn Chánh, người khai phá đất Phú Yên và lập làng Phụng Các ở Tuy Hòa, có nguyên quán tại làng Phụng Lịch (Thanh Hóa), truyền đến nay được 11 đời (1991). Theo Lương Văn Chánh vào Nam lập nghiệp còn có thủy tổ khác cũng họ Lương và đồng hương, nhưng không phải hậu duệ Lương Văn Chánh đến lập làng Phụng Hoàng (Tuy Hòa). Ngoài ra, thủy tổ của ông Lương Văn Kiệt, nguyên quán tại làng Tào Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, cũng tới Phú Yên đồng thời hay sau Lương Văn Chánh.
Lại tra trong Gia phả Lương Văn Chánh do ông Đào Chuyên, cháu ngoại đời thứ 11 của họ Lương Phụng, dịch ngày 8.11.1991, chúng ta không thấy tên Lương Văn Kiệt. Vậy, nếu các tư liệu trên đây đều chính xác, thì ta có thể kết luận là ông Lương Văn Kiệt tuy đồng tộc nhưng không đồng tông và đồng hương với Lương Văn Chánh. Còn gia phả Lương Văn Chánh bỏ sót tên ông Lương Văn Kiệt, và nếu thông tin của ông Kiệt có cứ liệu chính đáng, thì giả thuyết nguyên quán Lương Văn Chánh ở Thanh Hóa thêm yếu tố để nghiên cứu lại, có khi biết được lý lịch đầy đủ hơn về ông bà cha mẹ Quận công Lương Văn Chánh chăng? (còn tiếp)
(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu, do NXB Trẻ ấn hành)
Bình luận (0)