Theo báo cáo của đoàn khảo cổ học, sau gần một tháng khai quật khảo cổ học với diện tích hơn 100 m2, đã phát lộ rõ ràng chính xác mặt nền và cấu trúc nguyên gốc của 3 tầng đàn tế hình tháp cụt chồng lên nhau gần như có hình tròn.
Dấu tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn đã xuất lộ tại công trường khai quật khảo cổ học di tích Núi Bân tại P.An Tây, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế |
Văn Thể Huế |
Đoàn khảo cổ học còn phát hiện một đoạn móng kè phía Tây Nam ở tầng dưới cùng, có khả năng là chân móng của một tầng đàn tế hình vuông.
"Nếu giả thiết này chính xác thì đàn tế Giao thời Tây Sơn là một đàn tế trời được quy hoạch, xây đắp khá bài bản (dù lợi dụng một ngọn núi tự nhiên sẵn có), có cấu trúc gần tương tự đàn Viên Khâu ở Thiên Đàn Bắc Kinh (đàn tế trời của hai triều Minh, Thanh ở Trung Quốc) với 1 tầng đàn vuông ở dưới và 3 tầng đàn tròn bên trên", TS Phan Thanh Hải nhận định.
“Sau hơn 1 tháng khai quật với nhiều phát hiện mới, quan trọng nhất là phát hiện cấu trúc nền đàn có khả năng hình vuông. Nếu dừng lại ở đây là chưa thể kết luận về quy mô, cấu trúc và vật liệu của nền đàn. Vì vậy, hội nghị đã đề nghị tiếp tục khai quật 4 góc nền đàn nhằm xác định chiều kích, quy mô, vật liệu để làm hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt, sẽ có phòng trưng bày tại không gian Văn hóa Quang Trung và phục hồi các nghi lễ lên ngôi, xuất quân, khải hoàn để làm phong phú thêm di sản vật thể đặc biệt có giá trị này”, PGS-TS Đỗ Bang phát biểu.
Theo TS Phan Thanh Hải, việc triển khai công tác khai quật khảo cổ học di tích Núi Bân nhằm mục đích bổ sung các căn cứ khoa học đáng tin cậy để xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng công nhận di tích này trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Di tích Núi Bân cao 43 m, nằm ở phía Nam núi Ngự Bình, được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1988 và đến năm 2008 đã có một dự án chỉnh trang, tôn tạo di tích này cùng với việc xây dựng quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung với tổng diện tích hơn 25.000 m2 sát cạnh di tích.
Bình luận (0)