Theo kết quả phân tích được Đại học Quốc gia La Matanza (Argentina) công bố ngày 28.2, bộ xương khủng long hóa thạch dài 20 m được tìm thấy tại tỉnh Neuquen, tây nam Argentina năm 2014 có thể là của một loài titanosaur cổ xưa.
Titanosaur là thành viên của nhóm khủng long sauropod ăn cỏ có kích thước lớn với phần cổ và đuôi dài, có thể là loài động vật trên bờ lớn nhất từng sống trên trái đất.
Nhà nghiên cứu Pablo Gallina, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên chuyên san khoa học Ameghiniana phân tích bộ xương hóa thạch là của một loài titanosaur mới, cổ xưa nhất từng được tìm thấy trên thế giới từ trước tới nay.
Các nhà khoa học cho rằng loài này sống vào thời kỳ xa xưa hơnchuyện so với hiểu biết lâu nay, có thể là giai đoạn bắt đầu kỷ Phấn trắng. Kỷ địa chất này bắt đầu khoảng 145 triệu năm về trước và kết thúc với sự tuyệt chủng của khủng long vào 66 triệu năm về trước.
Ông Gallina cho rằng những hóa thạch khủng long từ 140 triệu năm về trước là "cực kỳ hiếm gặp". Loài này có tên là Ninjatitan zapatai, ghép theo tên của nhà cổ sinh vật học người Argentina Sebastian Apesteguia (biệt danh El Ninja) và kỹ sư Rogelio Zapata.
Theo CNN, xương hóa thạch của khủng long titanosaur được tìm thấy ở nhiều châu lục trên thế giới nhưng nhóm có kích thước lớn nhất của loài này thường được phát hiện ở vùng Patagonia, Nam Mỹ. Hồi tháng 1, các nhà cổ sinh vật học cũng công bố việc tìm thấy xương hóa thạch của một con titanosaur sống khoảng 98 triệu năm trước tại tỉnh Neuquen.
Bình luận (0)