Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng

17/10/2022 06:12 GMT+7

Đã có những tấm gương về đấu tranh, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để bảo vệ sự trong sạch, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng.

Tại Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng hồi tháng 7.2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho rằng, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc phát hiện những sai phạm, tiêu cực từ nội bộ tới nay vẫn là “thách thức lớn”; song “đã có những tấm gương về đấu tranh, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để bảo vệ sự trong sạch, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng”, như câu chuyện ở Saigon Co.op hay ở Bình Thuận

Cuộc đấu tranh chống lại “phi vụ thâu tóm”

Cuối tháng 1.2020, Giám đốc phòng Tài chính Hồ Mỹ Hòa thấy băn khoăn khi nghe Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) Diệp Dũng công bố kết quả huy động vốn góp nhằm tăng vốn điều lệ của Saigon Co.op. Chỉ 3 tháng kể từ khi HĐQT Saigon Co.op thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ lần thứ 9, 20/26 HTX thành viên đã góp 3.597 tỉ đồng để nâng vốn điều lệ của Saigon Co.op từ 3.200 tỉ lên 6.797 tỉ đồng, chiếm tới 53%.

Đây không phải lần đầu tiên Saigon Co.op tăng vốn. 5 năm trước đó (2015), bà Hồ Mỹ Hòa cũng như cả tập thể Saigon Co.op từng “sục sôi” trong cuộc huy động góp vốn “lớn nhất lịch sử” với mục tiêu mua lại hệ thống bán lẻ BigC VN. Nhưng lần huy động vốn thứ 9 này lại hoàn toàn khác. Không còn mục tiêu cụ thể được coi là “sứ mệnh chính trị” của 5 năm trước khiến bà Mỹ Hòa có sự suy xét thấu đáo hơn trong chiến dịch huy động vốn góp do Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng khởi xướng lần này.

Hầu hết các thành viên tham gia góp vốn lần này có vốn điều lệ rất nhỏ (chỉ vài tỉ đồng), lợi nhuận ít, có đơn vị còn làm ăn thua lỗ. Vậy số tiền “khủng” này (3.597 tỉ đồng) từ đâu ra để góp vào vốn điều lệ của Saigon Co.op? Bà Hồ Mỹ Hòa đã đem băn khoăn này trao đổi với nhiều lãnh đạo Saigon Co.op; trong đó có Tổng giám đốc Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Phạm Trung Kiên và Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Saigon Co.op Quách Cường.

Khu cây ngập nước còn sót lại giữa lòng TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Người dân Bình Thuận ủng hộ dự án công viên sinh thái ngập nước theo đề xuất của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An

D.L

Ông Quách Cường là một trong các thành viên HĐQT Saigon Co.op biểu quyết công nhận số vốn 3.597 tỉ đồng huy động được. Truyền thống hơn 30 năm qua của Saigon Co.op là tin tưởng, ủng hộ gần như tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Bí thư Đảng ủy - người vốn là Thành ủy viên và cũng do chính Thành ủy TP.HCM quản lý nhân sự, lựa chọn, điều động. Thế nhưng sự phân tích của bà Hòa, ông Đức và ông Kiên khiến ông Cường bắt đầu lo lắng.

Băn khoăn của các Ủy viên Ban chấp hành (BCH) Đảng ủy Saigon Co.op về nguồn gốc các khoản vốn góp được các ông Quách Cường, Nguyễn Anh Đức nêu ra tại cuộc họp Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 7 người, song không được ông Diệp Dũng giải đáp thấu đáo.

Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, việc huy động tăng vốn cho Saigon Co.op để phục vụ mục tiêu kinh doanh, tăng trưởng là đúng chủ trương, không có gì sai. “Nếu như mục tiêu là vì sự phát triển của Saigon Co.op, trước băn khoăn chính đáng của cán bộ, nhân viên, đáng lẽ anh ấy (ông Diệp Dũng - PV) phải cùng bàn với tập thể lãnh đạo Saigon Co.op để xác minh nguồn gốc các khoản vốn góp. Đằng này ngược lại”, ông Cường nhận định.

Thái độ của ông Diệp Dũng càng khiến ông Cường lo lắng hơn: “Có cái gì ở đằng sau?”. Không còn cách nào khác, các thành viên của Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op yêu cầu phải báo cáo rõ ràng, minh bạch vấn đề này tại hội nghị BCH Đảng ủy Saigon Co.op.

Cuộc họp BCH Đảng ủy bắt đầu từ 8 giờ sáng 4.2.2020 kéo dài tới 7 giờ tối chỉ xoay quanh một vấn đề: Làm rõ những ai đã góp vốn vào Saigon Co.op. Không làm rõ được điều này, nguy cơ Saigon Co.op bị tư nhân thâu tóm là rất lớn, khi tỷ lệ khoản vốn góp vào lên tới 53% tổng số vốn điều lệ. Bí thư Đảng ủy Diệp Dũng tiếp tục khước từ mọi yêu cầu giải trình. “Có cái gì tôi chịu trách nhiệm”, ông Dũng khẳng định như đinh đóng cột trong cuộc họp kéo dài gần 12 tiếng đồng hồ.

Sự thiếu minh bạch của ông Diệp Dũng đã khiến 20 thành viên còn lại của BCH Đảng ủy Saigon Co.op đứng về một phía. Tại cuộc họp, BCH đã thống nhất chưa nhập số vốn góp hơn 3.597 tỉ đồng vào vốn điều lệ của Saigon Co.op, đồng thời báo cáo vấn đề này lên UBND TP.HCM. Tuy nhiên, cuộc làm việc với UBND TP.HCM cũng không nhận được sự hợp tác của ông Diệp Dũng. Tới lúc này, UBND TP.HCM buộc phải chỉ đạo thanh tra vào cuộc để làm rõ.

Nhưng đó mới là lúc cuộc đấu tranh của các cán bộ, đảng viên của Saigon Co.op như ông Quách Cường, bà Mỹ Hòa với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Diệp Dũng mới bắt đầu. “Đỉnh điểm” của cuộc đấu tranh là vào tháng 7.2020, khi Thanh tra TP.HCM đã có dự thảo kết luận thanh tra về việc huy động tăng vốn điều lệ Saigon Co.op. Ngày 24.7.2020, ông Diệp Dũng quyết định triệu tập và tổ chức Đại hội thành viên bất thường, bất chấp Thanh tra TP và các sở, ban ngành TP.HCM đến nơi tổ chức hội nghị công bố quyết định đề nghị tạm dừng đại hội. Đại hội đã thông qua nghị quyết bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Anh Đức và Phạm Trung Kiên - những người được ông Diệp Dũng nhận định là “đối kháng trực diện” với mình. Giám đốc phòng Tài chính, thành viên HĐQT Hồ Mỹ Hòa cũng vào “tầm ngắm”.

Phó bí thư thường trực Đảng ủy Quách Cường do đề nghị tạm dừng đại hội theo yêu cầu của cơ quan chức năng không thành, đã rời khỏi đại hội và quyết định viết đơn nêu rõ các vi phạm của ông Diệp Dũng gửi cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Thành ủy, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn việc ông Diệp Dũng và các cá nhân, công ty thực hiện âm mưu thâu tóm Saigon Co.op.

Sau khi Thanh tra TP.HCM khẳng định việc tăng vốn điều lệ lần thứ 9 tại Saigon Co.op “có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”, cấp có thẩm quyền của TP.HCM chỉ đạo Thanh tra TP chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng điều tra làm rõ các sai phạm tại Saigon Co.op

Phó bí thư tỉnh ủy “nói ngược”

Tháng 11.2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận họp để cho ý kiến việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6 m2 (hơn 36,3 ha) chuyển đổi từ đất sân golf sang đất đô thị, thuộc dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư. Tại cuộc họp, Phó bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thấy việc tính toán giá đất theo phương pháp thặng dư mà đơn vị tư vấn đưa ra có nhiều điểm chưa phù hợp, thậm chí là sai. Vốn là Bí thư T.Ư Đoàn mới được luân chuyển về địa phương hơn 1 năm và mới được bầu lại làm Phó bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh 2 tuần trước đó, song ông An đã mạnh dạn nêu quan điểm của mình.

Tại Saigon Co.op, những người “nói ngược” vì cái đúng, vì sự phát triển của tập thể được tổ chức Đảng bảo vệ

NGỌC DƯƠNG

Lo rằng những điểm sai, chưa phù hợp trong cách tính toán giá đất nếu được thông qua sẽ khiến nhà nước thất thoát ngân sách, ông An đã viết ý kiến của mình thành văn bản, trình bày rõ những điểm sai, chưa phù hợp trong phương pháp tính toán giá đất đối với dự án nói trên của đơn vị tư vấn; đề nghị cần nghiên cứu, tính toán lại. Dù vậy, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận sau đó vẫn thống nhất về phương pháp, cách thức xác định giá đất. Các kiến nghị bằng văn bản của Phó bí thư Dương Văn An chỉ được nêu trong phần “lưu ý khi thực hiện”.

Ngày 25.11.2015, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3371/QĐ-UBND phê duyệt giá đất cụ thể với hơn 36,3 ha đất của dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết là 936,8 tỉ đồng. Tính ra, giá mỗi m2 đất của dự án được giao cho chủ đầu tư chỉ gần 2,6 triệu đồng/m2 (sau khi đã được khấu trừ chi phí đầu tư hạ tầng và chi phí khác). Việc UBND tỉnh xác định giá đất như vậy đã gặp phải sự phản ứng của các cán bộ hưu trí Bình Thuận, có đơn thư kiến nghị, tố cáo nên Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc và kết luận có nguy cơ gây thất thu lớn ngân sách nhà nước.

Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ (theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an) đã xác định: Giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6 m2 đất dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết thời điểm ngày 10.4.2015 và ngày 25.11.2015 là hơn 2.863 tỉ đồng, chênh lệch 1.926,2 tỉ đồng so với giá mà UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.

“Nhiều người dân bày tỏ vui mừng”

Đó không phải là lần “nói ngược” duy nhất của ông Dương Văn An.

Đầu năm 2019, UBND tỉnh Bình Thuận có chủ trương “xén” 32 ha khu cây ngập nước còn sót lại giữa lòng TP.Phan Thiết vốn có quy hoạch là đất công viên, cây xanh, thể thao; để lấy khoảng 10 ha đấu giá xây dựng dự án khu dân cư, thương mại dịch vụ nhằm lấy tiền xây dựng công viên trên phần diện tích còn lại. Cảm thấy phương án này “lợi bất cập hại”, nhất là TP.Phan Thiết sẽ mất đi khu sinh thái ngập nước, là tài nguyên thiên nhiên quý giá không thể tái tạo được, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm nhiều nơi, ông Dương Văn An lại soạn báo cáo đề xuất gửi Thường trực Tỉnh ủy.

Báo cáo phân tích cụ thể những cái được, mất nếu thực hiện phương án san lấp để xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ và công viên trong đô thị. Trong báo cáo, ông An cũng đề nghị xem xét lại chủ trương đầu tư theo hướng điều chỉnh quy hoạch, bỏ quy hoạch khu dân cư, thương mại dịch vụ và giữ lại quy hoạch công viên theo hướng công viên sinh thái cảnh quan rừng ngập nước.

“Hồ sơ” báo cáo đề xuất còn gồm nhiều bản in các bài viết về kinh nghiệm biến rừng ngập mặn thành điểm tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học ở các nơi. “Tỉnh ta còn khó khăn, cần tiền để phát triển. Đổi đất đai lấy hạ tầng là một trong những việc phải làm trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn những khu đất khác để đầu tư, không nhất thiết phải lấy khu rừng ngập mặn quý giá này”, ông An viết trong báo cáo.

Dù vậy, chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo hướng “cắt” khu đất này thành 2 khu, lấy khoảng 10 ha để đấu giá xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ, phần còn lại san lấp làm công viên vẫn tiếp tục được thực hiện. Đến năm 2020 UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án theo phương án trên với tổng mức đầu tư công viên trên 297 tỉ đồng.

Nhưng đó là chuyện đã qua. Giờ đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đang nỗ lực để hiện thực hóa ý tưởng biến khu rừng ngập mặn giữa TP.Phan Thiết thành công viên sinh thái mà ông ấp ủ trước đó. Dự án đã được cơ quan có chuyên môn nghiên cứu, đề xuất phương án, chuẩn bị trình HĐND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh lại quy hoạch. Rất nhiều người dân của Bình Thuận bày tỏ vui mừng, ủng hộ dự án công viên sinh thái ngập nước theo đề xuất của ông Bí thư Tỉnh ủy. Ý tưởng thiết kế dự án công viên sinh thái rừng ngập nước này do các kiến trúc sư

Công ty Infinitive Architecture (TP.HCM) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Thuận thực hiện trở thành 1 trong 11 công trình VN được vinh danh tại giải thưởng kiến trúc Architecture MasterPrize (AMP) 2021, giải thưởng Global Future Design Awards 2021 - toàn cầu nội dung quy hoạch cảnh quan.

Người đứng đầu rất quan trọng

Trong hầu hết các báo cáo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì vấn đề tự phê bình và phê bình luôn được đánh giá là khâu còn hạn chế. Hàng loạt sai phạm, có khi kéo dài nhiều nhiệm kỳ song chủ yếu do người dân, báo chí phản ánh hoặc “bật” ra khi các cơ quan T.Ư vào cuộc. Không phải không có lý do khi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai gọi những câu chuyện ở Saigon Co.op hay Bình Thuận là những “tấm gương” về đấu tranh, tự phê bình và phê bình, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để bảo vệ sự trong sạch, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng.

Cuối tháng 4.2022, khi xem xét kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã quyết định không kỷ luật bà Hồ Mỹ Hòa và ông Quách Cường do đã thẳng thắn đấu tranh với những việc làm sai phạm của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Diệp Dũng (đã bị khởi tố trong 2 vụ án do liên đới sai phạm khi còn lãnh đạo Saigon Co.op); chủ động, kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng; trong quá trình kiểm tra, kiểm điểm đã cầu thị, nghiêm túc, nhận vi phạm, khuyết điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.

Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Bình Thuận), nơi xảy ra nhiều sai phạm

D.L

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Quách Cường nói điều ông thấy mừng không phải vì ông và bà Hòa không bị kỷ luật. Là người từng giơ tay biểu quyết ủng hộ chủ trương huy động vốn của ông Diệp Dũng, ông Cường nói ông thấy rất rõ cái sai của mình “sờ sờ ra đó”. “Cái mừng của tụi tui là qua việc đó, tổ chức Đảng vẫn còn niềm tin với mình”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, cuộc đấu tranh ở Saigon Co.op là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn vì người mà họ phải đấu tranh là người đứng đầu - Bí thư Đảng ủy. “Lịch sử hơn 30 năm qua của Saigon Co.op cũng chưa bao giờ có chuyện đấu tranh này. May mắn là Saigon Co.op có một tập thể đảng viên rất mạnh, dám đấu tranh vì cái đúng, vì sự phát triển của cả tập thể”, ông Cường chia sẻ.

Mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến, nếu phát hiện những sai sót thì phải xử lý, khắc phục; nếu thấy đúng thì quyết tâm thực hiện; không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Còn Giám đốc phòng Tài chính Hồ Mỹ Hòa thì tâm trạng ngổn ngang hơn. Vài tháng trước, bà Hòa vừa nhận quyết định khởi tố để điều tra trong vụ án liên quan tới cựu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng. Dù âm mưu thâu tóm Saigon Co.op trong lần tăng vốn “siêu tốc” đầu năm 2020 đã bị ngăn chặn nhờ sự đấu tranh của những cán bộ, đảng viên như bà Hòa; song cơ quan chức năng phát hiện ông Diệp Dũng đã có những sai phạm trong lần huy động vốn để mua lại BigC VN từ năm 2015. Khi đó, theo chỉ đạo của ông Diệp Dũng, với vai trò là Giám đốc phòng Tài chính, bà Hòa là người đã tham mưu (ký nháy) vào “hợp đồng đầu tư” trái quy định với 2 công ty bên ngoài bằng số tiền 1.000 tỉ đồng huy động được. Các hợp đồng này là “tiền đề” cho những sai phạm gây thiệt hại 115 tỉ đồng của ông Diệp Dũng và các đồng phạm sau đó.

Trong cuộc trò chuyện tại Văn phòng Đảng ủy Saigon Co.op, bà Hòa nói, khác với năm 2020, vào thời điểm đó (2015), cả Saigon Co.op đang say sưa với sứ mệnh mua lại bằng được BigC VN, còn bản thân bà thì chưa đủ thông tin cũng như nhận thức để nhận ra những sai phạm trong các chỉ đạo của ông Diệp Dũng. “Nếu không phải tôi thì sẽ là một anh chị nào đó ở Saigon Co.op”, bà Hòa nói và cho biết, bà đã làm hết trách nhiệm của một đảng viên, người lao động như 21 năm qua, chứ không phải vì động cơ cá nhân hay đồng lõa với những sai trái của ông Diệp Dũng.

Lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến

Ở Bình Thuận, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021. Nhiều lãnh đạo chủ chốt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận cũng bị kỷ luật do liên đới đến sai phạm đất đai, dự án trên địa bàn...

Bây giờ, với trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, “bài học kinh nghiệm” mà ông Dương Văn An rút ra là sự cầu thị, biết lắng nghe những ý kiến khác nhau của người đứng đầu có vai trò quyết định.

“Mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến, nếu phát hiện những sai sót thì phải xử lý, khắc phục; nếu thấy đúng thì quyết tâm thực hiện; không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ lãnh đạo, quản lý”, ông An nói và cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã rút ra kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh sau những vi phạm vừa qua. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.