Khi “thẳng lưng” lại thành “khuyết tật”
Ngày 24.7.2020, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) Diệp Dũng triệu tập Đại hội thành viên bất thường lần thứ 1 năm 2020. Bất chấp việc Thanh tra TP.HCM và cấp có thẩm quyền có mặt yêu cầu dừng đại hội, ông Diệp Dũng vẫn chỉ đạo để Đại hội thành viên thông qua Nghị quyết bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT và cách chức Tổng giám đốc của ông Nguyễn Anh Đức; đồng thời cách chức vụ Phó tổng giám đốc của ông Phạm Trung Kiên.
Saigon Co.op, nơi những tiếng nói thẳng của cán bộ, đảng viên đấu tranh với cái sai, bảo vệ lẽ phải, lợi ích chung được tổ chức Đảng bảo vệ |
NGỌC DƯƠNG |
Tổng giám đốc Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Phạm Trung Kiên là những người đầu tiên chia sẻ với những băn khoăn của Giám đốc phòng Tài chính Saigon Co.op Hồ Mỹ Hòa về khoản tiền góp vốn “khủng” 3.597 tỉ đồng, chiếm tới 53% tổng số vốn điều lệ của Saigon Co.op sau khi tăng vốn lần thứ 9. Cũng chính ông Đức, ông Kiên cùng với Phó bí thư thường trực Đảng ủy Quách Cường đã đấu tranh từ trong Thường vụ Đảng ủy cho tới Hội nghị Ban Chấp hành Đảng ủy Saigon Co.op để yêu cầu ông Diệp Dũng giải trình rõ về nguồn gốc số vốn góp này. Chính vì vậy, ông Đức và ông Kiên trở thành những người “đấu tranh trực diện” và bị Bí thư Đảng ủy Diệp Dũng tìm cách “loại trừ” đầu tiên. Tại đại hội này, Giám đốc phòng Tài chính Hồ Mỹ Hòa cũng được ông Diệp Dũng “đặt vấn đề” đưa vào danh sách loại khỏi HĐQT song không thành công.
Ông Lương Xuân Bình từng có nhiều năm tố cáo sai phạm liên quan tới dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội và bị trù dập |
ĐÌNH TRƯỜNG |
May mắn, sự lạm quyền của Bí thư Đảng ủy Diệp Dũng đã bị ngăn chặn. UBND TP.HCM và cấp có thẩm quyền không công nhận quyết định của Đại hội thành viên bất thường. Ngày 18.9.2020, ông Nguyễn Anh Đức được HĐQT Saigon Co.op giao điều hành HĐQT sau khi ông Diệp Dũng bị đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op, sau đó từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT vì liên đới sai phạm trong phi vụ góp vốn thâu tóm Saigon Co.op.
Thế nhưng, trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ cho cái đúng, cho lợi ích chung, những tiếng nói thẳng thắn, dám đấu tranh không phải lúc nào cũng may mắn như câu chuyện ở Saigon Co.op. Rất nhiều người đã phải nhận những “đòn thù”, mất cả sự nghiệp, thậm chí vướng vòng lao lý khi lên tiếng đấu tranh với các sai phạm, nhất là của những người đứng đầu.
Năm 2018, nhiều người biết đến câu chuyện của kỹ sư Đỗ Văn Hải với hành trình gần 30 năm đấu tranh chống tiêu cực trong ngành dầu khí. Trước đó từ những năm 2010, ông Đỗ Văn Hải đã lên tiếng tố cáo nhiều sai phạm của ông Đinh La Thăng, khi đó là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí VN (PVN), và Trịnh Xuân Thanh cùng nhiều lãnh đạo tại Tổng công ty xây lắp dầu khí VN (PVC) - nơi ông làm việc. Những cảnh báo của ông Đỗ Văn Hải, nhất là trong công tác cán bộ tại các đơn vị của PVN đã không được quan tâm đúng mức. Ngược lại, năm 2011, chính vì việc tố cáo trực tiếp nhắm vào người đứng đầu là ông Đinh La Thăng, ông Đỗ Văn Hải đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi “đưa thông tin lên mạng internet nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, không đúng sự thật làm mất uy tín với người khác”.
Vụ án của ông Đỗ Văn Hải đã được Viện KSND tối cao đình chỉ vào cuối năm 2011 với lý do ông Hải trong quá trình điều tra đã ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng… Nhiều năm sau đó, ông Hải đã đi tìm tiếng nói công bằng cho mình trong vô vọng. Câu chuyện của ông Hải chỉ được biết đến vào năm 2018, sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt và trở thành bị cáo trong nhiều phiên tòa liên quan tới những sai phạm của ông Thăng khi còn là Chủ tịch PVN, trong đó có nhiều vi phạm đã được ông Hải phản ánh từ gần 10 năm trước.
Những câu chuyện như ông Đỗ Văn Hải không phải hiếm. Nhiều năm trước, người dân và báo chí từng nhắc tới trường hợp thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người từng được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen cho thành tích chống tiêu cực, đã phải xin nghỉ dạy vì cho rằng bị hiệu trưởng và cả Sở GD-ĐT Hà Nội trù dập do việc chống tiêu cực.
Hay gần đây hơn, tháng 12.2020, Thanh tra Chính phủ đã phải có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị chấm dứt các hành vi trù dập đối với ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), do ông Bình đã tố cáo các sai phạm liên quan tới dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội do MRB làm chủ đầu tư lên Thanh tra Chính phủ. Nhiều nội dung tố cáo của ông Bình được Thanh tra Chính phủ kết luận là có cơ sở. Trong khi đó, trong quá trình tố cáo, người tố cáo sai phạm dự án tỉ USD này bị phân công làm viên chức văn phòng…
Có rất nhiều vụ việc tương tự có thể đã không được dư luận biết tới. Nỗi lo “đấu tranh thì tránh đâu”, đấu tranh, “nói thẳng” chỉ chuốc vạ vào thân chứ chẳng lợi lộc gì, đã triệt tiêu những tiếng nói đấu tranh với cái sai, bảo vệ lẽ phải, lợi ích chung; thậm chí dẫn đến tâm lý xu nịnh, đồng lõa với cái sai ở nhiều nơi. Tư tưởng “ai cũng gù lưng, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”, đáng tiếc lại đang trở thành “châm ngôn” được nhiều người thừa nhận.
“Nói ngược” không phải lúc nào cũng dễ
Không chỉ là tiếng nói đấu tranh hay tố cáo sai phạm, những tiếng nói góp ý, phê bình trong sinh hoạt Đảng, vốn được coi là vũ khí sắc bén trong xây dựng Đảng, theo cách tương tự, không phải bao giờ cũng được tiếp thu một cách dễ dàng.
Trong nhiều vụ án nổi cộm thời gian qua, nhiều trường hợp bị rơi vào vòng lao lý vì dù biết sai, đã báo cáo, song vẫn thực hiện theo chỉ đạo của người đứng đầu vì nghĩ rằng đó là “nhiệm vụ chính trị” mà cấp trên và tập thể giao cho.
Tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong các sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ hồi 2021, bị cáo Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP hóa dầu và nhiên liệu sinh học - PVB) khai rằng, khi được tổ chuyên gia báo cáo về việc liên danh nhà thầu không đáp ứng tiêu chí chỉ định thầu, ông Thanh đã ký công văn báo cáo PVN. Tuy nhiên, sau khi nhận được bút phê của ông Đinh La Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐTV PVN) chỉ đạo việc này, ông Thanh đã “nghĩ đó là nhiệm vụ chính trị” nên đã thực hiện việc chỉ định thầu cho PVC dẫn đến sai phạm tại dự án, gây thiệt hại hơn 500 tỉ đồng. Theo hồ sơ vụ án, ngày 14.6.2010, do không đồng ý với một số đề xuất thay đổi thiết kế, vốn đầu tư tại dự án trên, ông Hà bị điều chuyển công tác.
Hay như sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương và hàng loạt lãnh đạo tỉnh này liên quan việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty CP công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái quy định, đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận, thông tin mà PV Thanh Niên có được cũng cho thấy, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương đã có ý kiến tham mưu khác. Tuy nhiên, một phó chủ tịch UBND tỉnh không tiếp thu ý kiến tham mưu, và sai phạm đã xảy ra. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 14.10 vừa qua, thông tin: Sai phạm tại Hải Dương “không chỉ một người mà có sự móc ngoặc với nhau, từ bí thư cho đến chủ tịch tỉnh, cán bộ các cấp, thậm chí còn móc với cán bộ trên T.Ư”…
Trong nhiều kết luận, nghị quyết của T.Ư, Bộ Chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều nhấn mạnh một hạn chế tồn tại trong nhiều năm: không thực hiện nghiêm quy tắc tập trung dân chủ; công tác tự phê bình, phê bình còn là khâu yếu. Đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều sai phạm của các tổ chức Đảng ở nhiều nơi tồn tại trong thời gian dài nhưng không được phát hiện, trở thành hạn chế trong công tác đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong nhiều năm qua. Rất nhiều vụ án, vụ việc chỉ được phát hiện khi người dân, báo chí phản ánh hoặc các cơ quan chức năng vào cuộc.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, chia sẻ ở thế hệ ông, họp chi bộ Đảng mỗi tháng 1 lần là cả một buổi chiều hoặc một buổi tối “quần nhau đến nơi đến chốn”, “đồng chí nào có khuyết điểm mà chưa nhận thì đấu tranh đến cùng mới thôi”. Ông Túc nói chính nhờ tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình từ cơ sở Đảng rất mạnh, rất tốt nên thời bấy giờ mới không có chuyện cán bộ bị xử lý kỷ luật nhiều như hiện nay. Thế nhưng, việc đấu tranh, tự phê bình, phê bình vốn rất hiệu quả trong xây dựng chỉnh đốn Đảng tới nay không còn được như trước.
Theo ông Túc, tình trạng rất phổ biến hiện nay là nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, “tôi không phê bình anh thì anh cũng chẳng phê bình tôi”, phê bình và tự phê bình rất yếu. “Đặc biệt đối với cấp trên thì hiện nay thường xu nịnh nhiều hơn là chân thành góp ý”, ông Túc nói.
Cũng theo ông Túc, hầu hết các vụ việc do Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận vừa qua đều có chung một khuyết điểm là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Ở nhiều nơi xảy ra sai phạm, người đứng đầu cấp ủy biến mình thành “ông vua con”, chuyên quyền, độc đoán, không thực hiện nghiêm quy tắc tập trung dân chủ, có thái độ thiếu cầu thị, thậm chí trù dập, trả thù những người góp ý.
“Chính những người đứng đầu như vậy là nguyên nhân dẫn đến tinh thần đấu tranh nội bộ, phê bình và tự phê bình yếu hẳn đi. Và đấy là điều đáng lo”, ông Túc nhấn mạnh. (còn tiếp)
Bình luận (0)