Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng: Lãnh đạo phải biết nghe 'nói ngược'

19/10/2022 04:22 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng để có những tiếng nói thẳng thắn, nâng cao chất lượng tự phê bình, phê bình, thì sự cầu thị, lắng nghe của người đứng đầu nhằm tạo không khí dân chủ, cởi mở là rất quan trọng…

Một đợt sinh hoạt chính trị ở cấp cao nhất

Trong câu chuyện về cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, điều khiến ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa IX, nhớ nhất là đợt sinh hoạt chính trị của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị liên quan tới chính người lãnh đạo cao nhất của Đảng vào cuối nhiệm kỳ khóa VIII - mà ông Diễn gọi là “một bài học rất hay và tiêu biểu về tính nghiêm túc trong công tác xây dựng Đảng, phê bình và tự phê bình ở cấp cao nhất của Đảng”.

Ông Phan Diễn kể: Khoảng cuối năm 2000, trong cuộc họp Bộ Chính trị do chính cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chủ trì, có ý kiến trong Bộ Chính trị cho rằng thời gian qua trong xử lý một số công việc của Đảng, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã có một số khuyết điểm nhất định. Đó là thời điểm đang chuẩn bị cho Đại hội IX của Đảng nên vấn đề liên quan tới Tổng bí thư được Bộ Chính trị rất quan tâm và nghiêm túc. Sau đó, Bộ Chính trị thành lập hẳn một nhóm chuyên trách với sự tham gia của các cơ quan như Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Tổ chức T.Ư để làm rõ những vấn đề được nêu ra liên quan tới Tổng bí thư. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị thảo luận, báo cáo ra T.Ư. T.Ư cũng thảo luận, góp ý thêm rồi cuối cùng đi đến kết luận của cả T.Ư và Bộ Chính trị về từng vấn đề được nêu ra.

Theo ông Phan Diễn, cách làm của Bộ Chính trị khi đó rất nghiêm túc, xây dựng, đoàn kết. “Trước một việc hệ trọng như vậy, tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, kể cả những đồng chí đã ở Bộ Chính trị lâu năm, hay như chúng tôi mới vào Bộ Chính trị, mỗi người đều thẳng thắn bày tỏ ý kiến, nói lên suy nghĩ của mình”, ông Diễn nói.

Nhưng quan trọng hơn, sự dân chủ, thẳng thắn, cởi mở ấy được chính người đứng đầu, cũng là “người trong cuộc” là Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tiếp thu với thái độ cầu thị, đúng mực. “Phải nói là đồng chí Lê Khả Phiêu đã ứng xử rất nghiêm túc và đúng mực”, ông Diễn nhớ lại.

Từ cuộc họp Bộ Chính trị đầu tiên cho tới cuộc thảo luận ở T.Ư, dù là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, song Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã tiếp thu một cách nghiêm túc và bình tĩnh đối với những góp ý với mình. Theo ông Phan Diễn, chính nhờ thái độ ứng xử đúng mực, bản lĩnh, lắng nghe và cầu thị của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi đó, nên sau khi ông nghỉ, tất cả mọi người đều rất kính trọng ông.

“Sự lắng nghe, cầu thị của người đứng đầu là rất quan trọng”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban T.Ư MTTQ VN, rút ra nhận định. Theo ông Túc, nếu sự chuyên quyền, áp đặt ý chí chủ quan của người đứng đầu làm triệt tiêu tiếng nói phê bình, tự phê bình, tinh thần đấu tranh trong nội bộ thì ngược lại, sự cầu thị, lắng nghe của người đứng đầu sẽ khuyến khích những góp ý chân thành, xây dựng, tiếng nói thẳng thắn trong mọi vấn đề của tổ chức. Đó chính là cơ sở để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng của công tác phê bình, tự phê bình trong các tổ chức đảng.

Tuy nhiên, để người đứng đầu lắng nghe và thực sự cầu thị là điều không dễ. Những vụ việc như ở Saigon Co.op, Bình Thuận hay các đại án tại Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN), Hà Nội… đều cho thấy, sự áp đặt ý chí chủ quan của người đứng đầu chính là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt sai phạm của cả tập thể.

Ông Nguyễn Túc cho rằng, sự nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tác phê bình, tự phê bình chủ yếu là do việc kiểm soát quyền lực với người đứng đầu thời gian vừa qua dường như đang bị coi nhẹ. “Chúng ta vẫn nói phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, chúng ta vẫn chưa làm được bao nhiêu cả”, ông Túc phân tích và cho rằng, quyền lực luôn có nguy cơ tha hóa, do vậy một khi đã giao quyền lực, cần phải có cơ chế kiểm soát, các tổ chức Đảng cấp trên trực tiếp phải thường xuyên giám sát, kiểm tra các tổ chức Đảng cấp dưới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 21 Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, vào cuối tháng 7 vừa qua, cũng nhấn mạnh: Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt tử trong hoạt động Đảng nhưng chỗ này, chỗ kia vẫn chưa thực hiện nghiêm. “Vừa rồi chúng ta kỷ luật một số tổ chức Đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Người đứng đầu dùng ý chí chủ quan áp đặt, không tôn trọng dân chủ. Ngược lại, có một số nơi thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm”, bà Mai nói và nhấn mạnh: “Cả hai việc này đều không tốt cho Đảng”.

Sinh hoạt chi bộ không thể “ầu ơ”

Từ góc độ tổ chức cơ sở Đảng, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư), cho rằng trong hàng loạt vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có những sai phạm diễn ra từ cách đây nhiều năm, như vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam hay trường hợp sai phạm ở Bình Thuận, 2 nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh ủy đều bị kỷ luật. “Rõ ràng là tính chiến đấu, công tác tự phê bình và phê bình ở các tổ chức Đảng nơi đây có vấn đề”, ông Hà nói và cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình thì phải nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng ở cơ sở.

Chỉnh đốn sinh hoạt Đảng tại chi bộ cơ sở cũng được ông Nguyễn Túc nhìn nhận như một giải pháp “sâu gốc bền rễ” để đẩy mạnh tự phê bình, phê bình, khuyến khích những tiếng nói thẳng. “Nếu chỉnh đốn Đảng phải từ trên xuống thì đổi mới, xây dựng Đảng phải từ dưới mà lên. Bác Hồ từng nói gốc có vững thì cây mới bền. Đảng không thể mạnh nếu từng chi bộ cơ sở không mạnh”, ông Túc nói. Theo ông Túc, việc xây dựng, chỉnh đốn các chi bộ cơ sở thời gian qua cũng chưa được coi trọng đúng mức.

Điều ông Hà, ông Túc nói là thực tế. Nghị quyết 21 của Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII cũng nhấn mạnh: “Chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chất lượng sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế; chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân ở cơ sở”.

Thậm chí, “một số cấp ủy cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu; chưa chủ động, kịp thời kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; mất sức chiến đấu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, giảm niềm tin của nhân dân với Đảng”.

Những câu chuyện như tại Saigon Co.op cho thấy, nếu có một tập thể cơ sở Đảng mạnh, công tác tự phê bình, phê bình hiệu quả, chất lượng, sức chiến đấu, các nguyên tắc về sự lãnh đạo của Đảng sẽ được đảm bảo.

Bà Trương Thị Mai tại Hội nghị nói trên đã nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo bà Mai, một trong những giải pháp là nâng cao hiệu quả đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên. Bà Mai cho rằng, đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng từ lâu vẫn là khâu yếu, và khâu yếu đó chính là nơi thể hiện rõ nhất sự “dĩ hòa vi quý”, thành tích và kém thực chất trong sinh hoạt Đảng ở nhiều cơ sở.

“Có phải yếu là do mình không”, bà Trương Thị Mai nêu vấn đề. “Tại sao có tổ chức Đảng rất thẳng thắn với nhau, có tổ chức Đảng lại dĩ hòa vi quý? Có phải là do chính bản thân từng tổ chức, từng đảng viên không? Bây giờ quy định không thiếu gì nhưng cuối cùng vẫn đánh giá không thực chất”, bà Mai nêu và đề nghị các cấp ủy, từng tổ chức cơ sở Đảng phải làm sao để đánh giá cho thật thực chất, “chống hình thức, chống thành tích, chống dĩ hòa vi quý”.

Cùng đó, theo bà Trương Thị Mai, cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy. “Đây là nơi thể hiện tính chính trị của một tổ chức đảng. Sinh hoạt chi bộ ầu ơ làm sao nâng cao tính chính trị. Từ đây nó mới ra được tinh thần trách nhiệm, nêu gương, rất nhiều vấn đề. Phải biến sinh hoạt chi bộ thành sinh hoạt chính trị thực chất”, bà Mai nhấn mạnh. (còn tiếp)

Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng

Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng

Người đứng đầu rất quan trọng

Đấu tranh, tránh đâu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.