“Tổ chức Đảng vẫn còn niềm tin với mình”
Trong hầu hết các báo cáo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì vấn đề tự phê bình và phê bình luôn được đánh giá là khâu còn hạn chế. Hàng loạt sai phạm, có khi kéo dài nhiều nhiệm kỳ song chủ yếu do người dân, báo chí phản ánh hoặc “bật” ra khi các cơ quan T.Ư vào cuộc. Không phải không có lý do khi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai gọi những câu chuyện ở Saigon Co.op hay Bình Thuận là những “tấm gương” về đấu tranh, tự phê bình và phê bình, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để bảo vệ sự trong sạch, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng.
Cuối tháng 4.2022, khi xem xét kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã quyết định không kỷ luật bà Hồ Mỹ Hòa và ông Quách Cường do đã thẳng thắn đấu tranh với những việc làm sai phạm của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Diệp Dũng (đã bị khởi tố trong 2 vụ án do liên đới sai phạm khi còn lãnh đạo Saigon Co.op); chủ động, kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng; trong quá trình kiểm tra, kiểm điểm đã cầu thị, nghiêm túc, nhận vi phạm, khuyết điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.
Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Bình Thuận), nơi xảy ra nhiều sai phạm |
D.L |
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Quách Cường nói điều ông thấy mừng không phải vì ông và bà Hòa không bị kỷ luật. Là người từng giơ tay biểu quyết ủng hộ chủ trương huy động vốn của ông Diệp Dũng, ông Cường nói ông thấy rất rõ cái sai của mình “sờ sờ ra đó”. “Cái mừng của tụi tui là qua việc đó, tổ chức Đảng vẫn còn niềm tin với mình”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, cuộc đấu tranh ở Saigon Co.op là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn vì người mà họ phải đấu tranh là người đứng đầu - Bí thư Đảng ủy. “Lịch sử hơn 30 năm qua của Saigon Co.op cũng chưa bao giờ có chuyện đấu tranh này. May mắn là Saigon Co.op có một tập thể đảng viên rất mạnh, dám đấu tranh vì cái đúng, vì sự phát triển của cả tập thể”, ông Cường chia sẻ.
Mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến, nếu phát hiện những sai sót thì phải xử lý, khắc phục; nếu thấy đúng thì quyết tâm thực hiện; không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Còn Giám đốc phòng Tài chính Hồ Mỹ Hòa thì tâm trạng ngổn ngang hơn. Vài tháng trước, bà Hòa vừa nhận quyết định khởi tố để điều tra trong vụ án liên quan tới cựu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng. Dù âm mưu thâu tóm Saigon Co.op trong lần tăng vốn “siêu tốc” đầu năm 2020 đã bị ngăn chặn nhờ sự đấu tranh của những cán bộ, đảng viên như bà Hòa; song cơ quan chức năng phát hiện ông Diệp Dũng đã có những sai phạm trong lần huy động vốn để mua lại BigC VN từ năm 2015. Khi đó, theo chỉ đạo của ông Diệp Dũng, với vai trò là Giám đốc phòng Tài chính, bà Hòa là người đã tham mưu (ký nháy) vào “hợp đồng đầu tư” trái quy định với 2 công ty bên ngoài bằng số tiền 1.000 tỉ đồng huy động được. Các hợp đồng này là “tiền đề” cho những sai phạm gây thiệt hại 115 tỉ đồng của ông Diệp Dũng và các đồng phạm sau đó.
Trong cuộc trò chuyện tại Văn phòng Đảng ủy Saigon Co.op, bà Hòa nói, khác với năm 2020, vào thời điểm đó (2015), cả Saigon Co.op đang say sưa với sứ mệnh mua lại bằng được BigC VN, còn bản thân bà thì chưa đủ thông tin cũng như nhận thức để nhận ra những sai phạm trong các chỉ đạo của ông Diệp Dũng. “Nếu không phải tôi thì sẽ là một anh chị nào đó ở Saigon Co.op”, bà Hòa nói và cho biết, bà đã làm hết trách nhiệm của một đảng viên, người lao động như 21 năm qua, chứ không phải vì động cơ cá nhân hay đồng lõa với những sai trái của ông Diệp Dũng.
Lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến
Ở Bình Thuận, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021. Nhiều lãnh đạo chủ chốt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận cũng bị kỷ luật do liên đới đến sai phạm đất đai, dự án trên địa bàn...
Bây giờ, với trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, “bài học kinh nghiệm” mà ông Dương Văn An rút ra là sự cầu thị, biết lắng nghe những ý kiến khác nhau của người đứng đầu có vai trò quyết định.
“Mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến, nếu phát hiện những sai sót thì phải xử lý, khắc phục; nếu thấy đúng thì quyết tâm thực hiện; không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ lãnh đạo, quản lý”, ông An nói và cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã rút ra kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh sau những vi phạm vừa qua. (Còn tiếp)
Bình luận (0)