Tìm vàng sao khó thế?

07/08/2012 11:22 GMT+7

(TNO) Đó chính là câu hỏi dành cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tại kỳ Thế vận hội 2012, bởi cho đến thời điểm này, những “đại gia” huy chương tại SEA Games như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia… đều chưa tìm nổi một tấm huy chương vàng.

(TNO) Đó chính là câu hỏi dành cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tại kỳ Thế vận hội 2012, bởi cho đến thời điểm này, những “đại gia” huy chương tại SEA Games như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia… đều chưa tìm nổi một tấm huy chương vàng.

>> Được thưởng 5 triệu bảng Anh cho chiếc HCV Olympic 2012
>> Đoàn Trung Quốc trở lại vị trí dẫn đầu Olympic 2012
>> Đoàn chủ nhà Olympic 2012 thăng tiến mạnh mẽ

Lee Chong Wei chỉ giành huy chương bạc môn cầu lông ở Olympic 2012
Lee Chong Wei chỉ giành huy chương bạc đơn nam môn cầu lông - Ảnh: AFP

Thậm chí đoàn thể thao Việt Nam 1 chiếc huy chương có lẽ cũng rất khó mơ thấy (Indonesia giành 1 HCB và 1 HCĐ cử tạ, Thái Lan có 1 HCB cử tạ nữ, Malaysia có 1 HCB cầu lông, Singapore đoạt 1 HCĐ bóng bàn đơn nữ).

Câu hỏi tại sao đã đặt ra rất nhiều. Cũng rất nhiều người giải thích nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này, nhưng có lẽ vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ: các nước Đông Nam Á không mặn mà đấu trường Olympic bằng… SEA Games.

Đối với quan chức thể thao các nước này, việc giành HCV ở đấu trường Olympic gần như là điều không tưởng, vì thế họ dần buông hẳn khâu đầu tử cơ sở vật chất, chế độ cho các VĐV, dẫn đến thành tích ngày càng đi xuống.

Còn nhớ tại Olympic Barcelona 1992 (Tây Ban Nha), môn cầu lông lần đầu tiên được đưa vào danh sách thi đấu chính thức. Quyết định này đã giúp Indonesia - quốc gia đang thống trị môn cầu lông thế giới - giành đến 2 HCV và 2 HCB trong tổng 4 nội dung (đơn nam, nữ; đôi nam, nữ).

Đến năm 1996 ở Atlanta (Mỹ) họ vẫn giành được 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ và duy trì thành tích đến Olympic 2008 nhưng chủ yếu ở các nội dung đôi. Vì thế khi đôi nữ Meiliana Juahari và Greysia Polii bị loại ở London vì thi đấu phi thể thao, môn mũi nhọn nhất của Indonesia đã trắng tay.

Ngay cả Thái Lan với môn quyền anh là thế mạnh giờ cũng đang suy yếu dần. Cựu chủ tịch liên đoàn quyền anh Thái Lan Taweep Jantararoj từng tỏ ra lo lắng trên Bangkok Post trước khi Olympic 2012 diễn ra: “Thật đáng buồn khi quyền anh Thái Lan không để lại ấn tượng gì mấy trong bốn năm qua. Tại Olympic sắp tới, tôi nghĩ khả năng cạnh tranh huy chương của các tay đấm sẽ không cao bởi ở bộ môn này, một tay đấm dưới 25 tuổi luôn tỏ ra vượt trội hơn đối thủ nhờ có sự dẻo dai về thể lực và rất lỳ đòn”.

Vậy mà cả 3 võ sĩ của Thái Lan đến London đều đã trên 25 tuổi. Đó là chưa kể những khoảng trống mênh mông mà những tượng đài thể thao của thể thao các nước này để lại. Hãy nhìn sau lưng Lee Chong Wei của Malaysia và Nguyễn Tiến Minh của Việt Nam đã có những ai đủ sức ở sân chơi thế giới?

VĐV Jin Jongoh giành huy chương vàng bắn súng ở Olympic 2012
Jin Jongoh mang về huy chương vàng bắn súng cho đoàn Hàn Quốc - Ảnh: AFP

Nhìn sang Hàn Quốc, đến giờ họ có 11 HCV (bắn súng 3, bắn cung 3, judo 2, đấu kiếm 2, thể dục dụng cụ 1) trong khi môn thế mạnh của họ là taekwondo chưa diễn ra. Nếu như các kỳ Olympic trước họ chỉ tập trung vào bắn cung, taekwondo và đấu kiếm thì nay đã có thêm bắn súng.

Đây chính là bước đi đúng của người Hàn bởi nếu không thể địch lại các cường quốc trong các môn “quá sức” như bơi lội, điền kinh… thì nên tập trung ở những môn phù hợp với thể trạng, độ khéo léo và tinh thần cao.

Đáng buồn là các nước Đông Nam Á vẫn có tranh đua sao cho các kỳ SEA Games càng nhiều môn thi đấu càng tốt. Cứ đến các phiên họp của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á trước các kỳ SEA Games là y như có tranh cãi xem môn thế mạnh của nước tôi có được dự hay không. Nhưng khổ nỗi đó đều là những môn không có trong chương trình Olympic.

Theo như thông tin tại phiên họp của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á tại Myanmar trong hai ngày 13-14.7, đã có cuộc tranh luận khá gay gắt giữa hai trường phái.

Cuối cùng, trường phái “mở rộng” số môn thi đấu vẫn được đa số các nước ủng hộ với lý lẽ thực tế: “Trong lịch sử tham gia Olympic cho đến nay, tất cả các nước Đông Nam Á cộng lại cũng chỉ mới giành được 13 HCV, quá nửa số nước ASEAN không có tên trên bảng xếp hạng. Vì vậy, là sân chơi của gần 1 tỉ dân Đông Nam Á, SEA Games cần phải phục vụ cho lợi ích, niềm tự hào và nhu cầu hưởng thụ của mọi người thông qua những môn thể thao truyền thống của khu vực”.

Với lý lẽ này thì việc thể thao Đông Nam Á luôn trắng tay ở các kỳ Olympic gần đây và thậm chí là trong tương lai cũng là điều dễ hiểu.

Quốc Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.