Lên mạng tìm việc
Sau khi nghỉ công việc may giày da tại Khu công nghiệp Tân Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM, đầu tháng 7 vừa qua, chị Trần Thị Thế (36 tuổi) lên nhóm Việc làm Sài Gòn đăng bài nói rõ mong muốn tìm việc làm.
Chị cung cấp đầy đủ: thông tin cá nhân, quê quán (ở tỉnh Quảng Bình), tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, ưu điểm, nhược điểm, kinh nghiệm lẫn hình ảnh… với hy vọng có thể làm người giúp việc nhà.
Tuy nhiên, như chị kể: "Chẳng ai liên hệ để tuyển, mà chỉ toàn những tin nhắn khiếm nhã. Có người bông đùa, có người tán tỉnh với lời lẽ khó chấp nhận. Cả những tin nhắn bất lịch sự".
Chưa dừng ở đó, vì số điện thoại bị lộ, chị liên tục nhận những cuộc gọi của người khác với nội dung thô tục. Chị hoảng hốt, vội xóa bài đăng tìm việc và rơi vào cảnh stress suốt 4 ngày liền.
Trường hợp của chị Thế chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mà người trẻ tìm việc trên mạng đã gặp phải. Họ truy cập các hội, nhóm việc làm trên mạng xã hội để tự giới thiệu về bản thân, mà không biết rằng có thể sẽ đối diện với nhiều rủi ro.
Lê Thị Tuyết Lan (26 tuổi), ngụ ở H.Phú Tân, tỉnh Cà Mau, đăng bài tìm việc trên nhóm Việc làm uy tín TP.HCM, kèm mong muốn nhanh chóng có việc làm đúng chuyên môn là thợ may sau quãng thời gian thất nghiệp.
Thế nhưng Lan cho biết nhiều người đã liên hệ chèo kéo cô làm nhân viên quán cà phê "đèn mờ" trên đường Bình Long, Q.Bình Tân, TP.HCM. Có người rủ Lan đến nhà nghỉ để phỏng vấn. "Khi tôi từ chối, họ chửi rủa", Lan kể.
Mai Thị Hồng Hà (23 tuổi), ngụ ở H.Thủ Thừa, tỉnh Long An, muốn làm thợ vắt sổ (lĩnh vực may mặc). Có người hứa sẽ đáp ứng yêu cầu công việc của cô. Dẫu vậy, chị phản ánh: "Ngày gặp bên tuyển dụng ở quán cà phê để trao đổi công việc, họ khuyên tôi làm tiếp viên ở một quán karaoke ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Không thuyết phục được, họ nạt nộ rồi bỏ đi".
Những bài "bóc phốt", phản ánh việc bị dẫn dụ làm công việc không đúng nguyện vọng, nhạy cảm như thế xuất hiện nhiều. Những người đã từng rơi vào tình cảnh không mong muốn đã lên tiếng cảnh báo người khác. Tuy vậy, ở những hội, nhóm việc làm vẫn sôi động. Người đăng bài tuyển dụng thì ít, mà các trường hợp tự đăng thông tin cá nhân để xin việc thì nhiều.
Nhiều nguy cơ chực chờ
Theo anh Trương Hoàng Bảo, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, tìm việc trên mạng xã hội có thể gặp nhiều nguy cơ chực chờ. Ngoài những cái kết mà nhiều người phản ánh, thì còn khiến bị lộ hình ảnh (người xin việc tự đăng), lộ thông tin cá nhân quan trọng, trong đó có số điện thoại. Số điện thoại liên kết với tài khoản Zalo, Viber… nên dễ bị người khác nhắn tin, gọi điện quấy rối, làm phiền.
Cũng theo anh Bảo: "Một nguy cơ khác, đó là sẽ có những người mạo danh giới thiệu việc làm xuất hiện với hứa hẹn đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu chuyển phí cọc tiền khoảng 30 – 50% lương một tháng để được nhận việc. Nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tiền".
Theo tiến sĩ tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu, Bộ Công an, việc đăng thông tin cá nhân lên mạng xã hội tìm việc dễ trở thành "con mồi" để kẻ xấu nhắm đến, mời gọi cơ hội làm những "việc nhẹ lương cao", mà thực chất là những bẫy lừa với đầy đủ nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Vì thế, theo thượng tá Hiếu: "Khi có nhu cầu tìm việc, cần đến những trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, hoặc thông qua các mối quan hệ quen biết. Cần có sự cảnh giác trong quá trình tìm việc".
Theo anh Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, người trẻ mong muốn tìm việc thể truy cập sieuthivieclam.vn hoặc tải ứng dụng "Siêu thị việc làm" của Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM trên hai hệ điều hành App Store và CH Play. Qua đó có thể dễ dàng tìm cơ hội.
Ngoài ra, người lao động cũng có thể đến trực tiếp các trụ sở, cơ sở của Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM như: 1A Nguyễn Văn Lượng, Q.Gò Vấp; 4A Phạm Ngọc Thạch, Q.1; 292 Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh (Bến xe miền Đông cũ); 395 Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân (Bến xe miền Tây)… để được hướng dẫn, giới thiệu tìm việc làm đúng nguyện vọng.
Bình luận (0)