Tin đồn 'ma rừng ám' làm nhiều người chết, dân bỏ khu tái định cư khang trang về làng cũ

13/12/2022 13:15 GMT+7

Được chính quyền đầu tư xây một khu tái định cư khang trang nhưng cho rằng bị “ma rừng” ám khiến hàng chục người chết bất thường, dân làng Chung Tam (xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông, Kon Tum ) đã rủ nhau quay về làng cũ.

Đã vài mùa rẫy kể từ ngày người làng Chung Tam (xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông, Kon Tum) kéo nhau về làng cũ ở. Họ chối bỏ ngôi làng tái định cư được chính quyền đầu tư cơ sở hạ tầng để quay lại với con đường đất, ánh đèn dầu chỉ vì sợ con “ma rừng”.

Ám ảnh ma rừng

Xã Măng Ri nằm giữa một thung lũng rộng lớn dưới chân núi Ngọc Linh. Toàn xã có khoảng 500 hộ với gần 100% cư dân là người Xơ Đăng, nguồn thu chính của họ chủ yếu trồng sâm Ngọc Linh và lúa nước.

Khu tái định cư Chung Tam ngủ quên trong cỏ dại

đức Nhật

Trung tâm xã là một vùng tương đối bằng phẳng, người dân quần tụ sinh sống giữa những thửa ruộng bậc thang trải rộng bạt ngàn. Thế nhưng trái ngược với bức tranh náo nhiệt và đời sống văn minh, cách UBND xã Măng Ri chỉ vài trăm mét, khu tái định cư làng Chung Tam lại hoang tàn đến khó tin. Hơn 70 căn nhà đã được xây dựng kiên cố của người dân đóng cửa im ỉm, ngủ quên trong cỏ dại.

khu tái định cư vắng bóng người, 2 vợ chồng ông A Ưm (64 tuổi) đang cặm cụi hái cà phê. Ông Ưm bảo rằng phải hái nhanh để quay về làng cũ cách đây 4 con dốc. 2 vợ chồng ông chẳng muốn ở lại cái nơi “ma ám” này khi màn đêm buông xuống.

Ông Ưm kể, từ xa xưa cả làng Chung Tam ở trên một quả đồi bên kia bờ suối Đăk Psi. Năm 2009, khu làng nằm trong vùng sạt lở nên được chính quyền địa phương tạo điều kiện di dời đến khu tái định cư này. Về làng mới được vài năm, 2 người em ruột cùng 2 người cháu của ông A Ưm đã rủ nhau về với đất. Người trong làng cũng vơi dần đi sau những cái chết chẳng rõ nguyên nhân.

“Làng mình chuyển về đây 5-7 năm. Nhưng dân làng chết nhiều lắm, có ngày 1 người, có ngày 2-3 người chết. Già làng bói đầu gà, xin ý thần linh rồi bảo làng có con ma rừng. Sợ có thêm người chết, cả làng rủ nhau về làng cũ ở thôi”, ông Ưm giải thích.

Người làng truyền tai nhau như tiếng chiêng lan từ nhà này sang nhà kia. Họ sợ thế lực tâm linh và sợ con ma rừng đang rình mò ngoài cửa. Những gia đình đầu tiên lục tục dời đi. Họ mang theo nồi niêu, xoong chảo, giày dép, áo quần để trở lại làng cũ, nơi mà nhiều đời nay cha ông họ đã ở. Chỉ sau vài tháng, khu tái định cư không còn một bóng người.

Gia đình ông A Ưm đã đóng cửa bỏ nhà về làng cũ đã mấy năm nay

đức nhật

Ông A Hiệp, Trưởng thôn Chung Tam nhớ lại, cả làng chuyển về khu tái định cư sinh sống chỉ mấy năm nhưng có đến 50 người chết. Lời đồn về “ma làng” đã làm cho người dân càng thêm hoang mang, lo lắng. Những ngày người dân dời đi, ông A Hiệp tham gia cùng chính quyền vận động người dân ở lại. Nhưng khi người dân đi hết, ông Hiệp cũng đành khăn gói đi theo.

“Dân làng cúng gà, dê, heo mấy năm liền nhưng số người chết vẫn tăng lên. Người ta đi hết rồi, mình cũng phải đi theo thôi”, ông Hiệp bất lực nói.

Do con "ma" rượu?

Ở phía cuối khu tái định cư, còn 1 ngôi nhà duy nhất mở cửa. Bên hiên nhà, một người đàn ông đang cột tóc cho con gái. Anh giới thiệu tên là Pa Thi. Hôm nay con sốt không đi học được nên anh nghỉ một bữa lên nương ở nhà trông con gái.

Khi được hỏi về tin đồn “ma ám”, anh Pa Thi chỉ mỉm cười và cho đó là chuyện nhảm nhí. Anh bảo rằng mình là người làng Pu Tá nhưng sinh sống trên đất làng Chung Tam nhiều năm nay. Anh cũng là người đã chứng kiến những cơn say thâu đêm suốt sáng của nhiều người trong làng. Anh Pa Thi nghĩ rằng có lẽ rượu chính là “con ma” đã hại cả làng Chung Tam ra như vậy. “Họ nói là chết người nhiều nên họ về làng cũ hết rồi. Đàn bà con gái không uống rượu nên họ vẫn sống khỏe mạnh đấy thôi”, Pa Thi nói.

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó chủ tịch UBND xã cho hay, trước đây làng Chung Tam nằm trên một ngọn đồi. Năm 2009, cơn bão số 9 gây mưa trong nhiều ngày, quả đồi nơi dân làng Chung Tam cư ngụ bị sạt lở. Để giải cứu người dân, UBND H.Tu Mơ Rông đã phối hợp với các ban ngành xây dựng một khu tái định cư mới, cách trụ sở UBND xã Măng Ri chừng vài trăm mét.

Làng Chung Tam cũ nằm trên ngọn đồi lở lói

đức Nhật

Tại đây, chính quyền địa phương đã cho san ủi mặt bằng, xây dựng các tuyến đường, đầu tư hệ thống điện. Không những vậy, để ổn định cuộc sống UBND huyện còn cấp cho mỗi gia đình vài chục triệu đồng để xây nhà.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, làng Chung Tam liền kéo nhau về làng mới xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Dân làng về nơi ở mới được vài năm, tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút vắt ngang qua các dãy núi của các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei cũng bắt đầu được khởi công.

Tuyến đường đi xuyên qua đất đai, vườn tược của người làng Chung Tam. Người dân được đền bù một khoản tiền lớn để nhường lại một phần vườn tược, nhà cửa cho dự án. Bỗng chốc có tiền, người dân Chung Tam tìm đến rượu. Những cuộc rượu triền miên ngày tháng khiến sức khỏe nhiều người giảm sút. Những cái chết cũng bắt đầu phủ xuống, ám ảnh cả ngôi làng.

Không thể lý giải được những cái chết liên tiếp, thay vì tìm đến bệnh viện, người dân tìm đến thần linh bằng việc bói đầu gà. Dân làng làm thịt gà cúng thần linh rồi lấy chiếc lưỡi gà để đoán ý trời. Già làng nhìn lưỡi gà rồi cho rằng làng có con ma ám.

Thế là người dân bỏ lại làng mới để trở về làng cũ. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nhưng người dân vẫn không chịu “xuống núi”. Họ chỉ đồng ý quay về vào những hôm giông bão như một điểm sơ tán bất đắc dĩ.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, kể từ khi có tiền đền bù, người dân bắt đầu uống rượu nhiều, lâu dần sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, giảm sút. "Những người chết ở làng Chung Tam đa phần là bị xơ gan", ông Trí nói.

Làng cũ chênh vênh

Cách khu tái định cư 4 km, làng cũ Chung Tam nằm chênh vênh trên quả đồi bị sạt lở. Con đường đất dẫn vào làng ngoằn ngoèo và lở lói. Những ngày mưa gió đường trơn tuột, nhớp nháp. Phía cuối con đường là mấy chục nóc nhà vách gỗ xiêu vẹo.

Bà Y Tieng cho biết khi chuyển về làng cũ, người dân gặp nhiều khó khăn hơn

đức nhật

Ngay ở đầu làng là nhà bà Y Tieng, người già nhất làng Chung Tam. Chẳng còn sức cõng gùi lên rẫy, bà Y Tieng ngồi trước bậu cửa trông mấy đứa cháu đang tha thẩn chơi đùa.

Bà Y Tieng bảo rằng người làng chuyển về đây cũng gần 3 năm rồi. Những ngày đầu về đất cũ, cả làng khổ nhiều lắm. Họ phải tìm gỗ dựng lại nhà cửa, phải tìm nước nối ống đưa về làng. Thế rồi cũng qua, sau vài năm số người chết cũng giảm lại. Nhưng đường đi lại có phần khó khăn hơn, trẻ con phải leo nhiều con dốc mới tới trường. Người dân phải tự kéo dây điện về làng để sử dụng.

“Cán bộ cũng đến vận động bà con về dưới đó nhiều lần. Nhưng người làng không muốn về đâu. Trời không cho làng mình chuyển đi nơi khác, nên cả làng muốn ở lại đây thôi”, bà Y Tieng nói.

Có 2 đứa con đang ở tuổi đến trường, anh A Miếu (36 tuổi) hiểu rất rõ nỗi khổ của con khi phải đi bộ qua mấy quả đồi. Vợ chồng anh vẫn hay tranh thủ đưa con đi học buổi sáng. Nhưng đến trưa thì 2 đứa trẻ phải tự leo dốc về nhà. Không những thế, quả đồi nơi dân làng đang ở hễ cứ mưa xuống là sạt lở. Thương các con, đã đôi lần anh A Miếu muốn chuyển về khu tái định cư. Nhưng cứ nghĩ đến con “ma rừng”, vợ chồng anh đành ở lại.

Làng Chung Tam chỉ toàn là nhà vách gỗ xiêu vẹo

đức nhật

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó chủ tịch UBND xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân đến khu tái định cư. Thế nhưng người dân không hề muốn trở về. Sắp tới nếu không vận động được người dân quay về khu tái định cư, chính quyền sẽ thu hồi quỹ đất này giao cho hợp tác xã quản lý”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.