Hơn 5 tháng trôi qua, ngư dân và các tổ chức tín dụng trên khắp cả nước vẫn đang “dài cổ” ngồi nhìn nhau khi dòng vốn tín dụng cho vay đóng tàu đang bị tắc nghẽn gần như toàn bộ.
Thiếu thiết kế mẫu tàu, ngư dân vẫn mòn mỏi chờ vốn - Ảnh: Anh Vũ |
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) về tình hình triển khai Nghị định 67 (Hỗ trợ phát triển thủy sản - NV) trên 28 tỉnh thành cho thấy một thực trạng rất đáng buồn khi mới chỉ có 3 hồ sơ được giải ngân vay vốn đóng tàu, với tổng giá trị vài chục tỉ đồng. Nghịch lý này càng “đắng” hơn khi các NH đã cam kết nguồn vốn tín dụng cho chương trình lên tới cả hơn chục nghìn tỉ đồng và ngư dân sẵn sàng vươn khơi bám biển bằng tàu công suất lớn.
Tại Thừa Thiên-Huế, theo số liệu mới thì chỉ có một ngư dân được vay vốn hợp đồng đóng tàu vỏ gỗ trị giá 2,2 tỉ đồng, thời hạn vay 11 năm của BIDV. Trong khi đó, các tỉnh còn lại tiến độ vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Qua tìm hiểu của Thanh Niên ở địa bàn trọng điểm Quảng Ngãi, nguyên nhân chính do nút thắt tại khâu thiết kế mẫu tàu và quy trình phê duyệt hồ sơ ở các địa phương. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 67 Quảng Ngãi ngày 19.12, ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã phê duyệt danh sách hộ ngư dân đợt 1 được vay vốn gồm 40 tàu. Trong đó, mới giải ngân được 2 trường hợp. Từ nay đến hết tháng 12 sẽ cố gắng để giải ngân thêm 1 - 2 trường hợp nữa. Rào cản lớn nhất hiện nay theo ông Thọ do các thiết kế mẫu tàu được phê duyệt quá chậm. Phải đến cuối tháng 11 vừa rồi Bộ NN-PTNT mới duyệt 21 mẫu tàu vỏ thép. “Nhưng cả 21 mẫu tàu của Bộ đưa ra ngư dân đều không chấp nhận và yêu cầu cần chỉnh sửa rất nhiều. Có những mẫu phải thiết kế lại theo ngành nghề, ngư trường và kinh nghiệm đánh bắt của từng hộ”, ông Thọ nói.
Không chỉ mòn mỏi chờ đợi mẫu tàu, thời gian xét duyệt hồ sơ với thủ tục, quy trình phức tạp và rườm rà khiến ngư dân phải “dài cổ” chờ đợi. Phản ánh từ các ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định cho thấy, quá trình phê duyệt danh sách ngư dân đóng tàu hiện nay đang trải qua một quy trình khá lòng vòng, chưa thực sự hợp lý. Theo đó, danh sách sẽ được rà soát đề xuất từ cấp xã, rồi lên huyện, huyện lên tỉnh; tỉnh họp tổ tư vấn giúp việc. Sau đó trình lên Trưởng ban Chỉ đạo Nghị định 67 “chốt”.
Hiện một số NH phải làm tắt quy trình để rút ngắn thời gian. Đại diện BIDV Thừa Thiên-Huế cho biết, NH đã phải xuống tận xã vào từng hộ gia đình để làm công tác kiểm tra, tư vấn và thẩm định. Qua đó, đề xuất cho địa phương để nhanh chóng giải ngân vốn vay. Nhiều ý kiến cho rằng, các tỉnh phải ban hành quy chế phối hợp cụ thể, trong đó đặc biệt nên để các NH tham gia ngay từ đầu quá trình xét duyệt hồ sơ từ cấp xã. Có như vậy mới rút ngắn được thời gian.
Bình luận (0)