NHNN cho biết đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay.
Từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 2.2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12.2020. NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế. Thống kê đến 16.4, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến 5.4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663.000 khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỉ đồng...
Cập nhật mới nhất, NHNN ước tính cuối tháng 3.2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,85 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với tháng 12.2020. Trong khi đó, quý 1/2020 tăng 1,45%, quý 1/2019 tăng 3,42%, quý 1/2018 tăng 1,68%. Với mức này, NHNN đánh giá cao hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 2,93%.
Dư nợ lĩnh vực chứng khoán hiện khoảng 42.590 tỉ đồng (giảm 6,98% so với cuối năm 2020, cùng kỳ năm 2020 giảm 3,41%), chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Như vậy so với năm ngoái, dư nợ cả bất động sản và chứng khoán đều giảm, tuy nhiên NHNN khẳng định vẫn sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực này để tránh các nguy cơ rủi ro.
Bình luận (0)