Tín dụng đen núp bóng 'công ty tài chính'

04/04/2016 08:00 GMT+7

Lãi vay tiêu dùng từ các công ty tài chính đang được đẩy lên rất cao. Đặc biệt, nhiều công ty núp bóng cầm cố, thế chấp để cho vay với lãi trên trời.

Lãi vay tiêu dùng từ các công ty tài chính đang được đẩy lên rất cao. Đặc biệt, nhiều công ty núp bóng cầm cố, thế chấp để cho vay với lãi trên trời.

Trang web của một công ty tài chính - Ảnh: T.XTrang web của một công ty tài chính - Ảnh: T.X
Thời gian gần đây lãi suất cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính (CTTC) đã tăng rất mạnh, dù lãi vay từ phía các ngân hàng hầu như vẫn giữ nguyên. Trong vai người cần gấp 30 triệu đồng, chúng tôi liên hệ với một CTTC tại TP.HCM, nhân viên công ty cho biết: “Lãi suất còn tùy thuộc vào công ty khách hàng đang làm thuộc nhóm nào, nếu vay theo lương thì lãi suất từ 2,92%/tháng”.
Trên thực tế, “lãi suất từ...” là một trong những cái bẫy đã khiến không ít người “ôm hận”.
Người thu nhập thấp sập bẫy
Chị N. - người đã từng rơi vào chiếc bẫy như thế bức xúc kể: Cuối năm 2014, chồng chị vay 35 triệu đồng, nhân viên tư vấn lãi suất từ 1,75 - 3,75%/tháng và hứa sẽ được hưởng mức lãi suất thấp nhất. Hồ sơ vay cũng để trống mục lãi suất với lý do “sẽ báo sau”. Đến khi nhận tiền, chị vẫn chưa được thông báo lãi suất là bao nhiêu. 7 tháng sau, 2 vợ chồng có ý định tất toán khoản vay và lúc này mới hay mức lãi suất 3,75%/tháng (tương đương 45%/năm). Nếu trả góp 36 tháng thì số tiền gốc và lãi phải trả là 68,73 triệu đồng. Lúc đó chưa có khả năng trả toàn bộ số tiền nên 2 vợ chồng tiếp tục vay thêm đến tháng thứ 10. Sau 10 tháng, trả được gốc và lãi hơn 18,7 triệu đồng, công ty yêu cầu muốn tất toán thì thanh toán 34,6 triệu đồng. Chị N. chua chát nói: “10 tháng vay nợ mất hơn 18 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ đối với lương công nhân viên”.
Ông L. (Q.7, TP.HCM) là nhân viên của một công ty bảo hiểm kể, do cần gấp 2,5 triệu đồng nên liên lạc Công ty TNHH MTV tư vấn tài chính LGC trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.1) để được tư vấn. Nhân viên công ty này hướng dẫn ông vay tại Công ty TNHH MTV TMDV Vạn An Phát (VAP) số tiền trên với lãi trả mỗi ngày là 1%. Đang cần gấp, ông “nhắm mắt” vay nóng. Thế là với số tiền vay 2,5 triệu đồng, sau 7 ngày, ông phải trả cho phía công ty hơn 2,7 triệu đồng. Nhưng chưa hết, “ngoài tiền lãi, họ còn yêu cầu mức phí 600.000 đồng cho một khoản vay lãi suất cuối cùng tính ra lên đến 32%/tuần. “Thật tiếc đứt ruột nhưng đành phải trả nhưng chắc từ nay về sau tôi không dám vay nữa”, ông L. nói.
Cũng tin lời quảng cáo qua tờ rơi với lãi suất 0%, anh H. được Công ty LGC tư vấn vay tại Công ty VAP số tiền 3 triệu đồng, trong vòng 7 ngày không tính lãi. Nhưng ngay khi nhận tiền, anh H. đã bị trừ 500.000 đồng “phí cho công ty”, số anh thực nhận chỉ còn 2,5 triệu đồng. Sau 14 ngày, công ty nhắn số tiền yêu cầu thanh toán vào máy điện thoại cả gốc và lãi của anh H. gần 3,2 triệu đồng. Tính ra với số vay 2,5 triệu đồng trong vòng 14 ngày, anh H. đã phải trả tiền lãi, phí lên đến 700.000 đồng, tương đương 28%/2 tuần. Đáng nói là 2 tháng sau đó, phía công ty đòi anh H. số nợ 600.000 đồng tiền lãi từ số tiền gốc 30.000 đồng chưa thanh toán. Theo giải thích của công ty, số tiền lãi tăng lên gấp 20 lần sau 2 tháng.
Đích thị tín dụng đen
Kiểm tra danh sách các CTTC tính đến ngày 31.12.2015 trên website Ngân hàng Nhà nước VN, không có tên Công ty TNHH MTV TMDV Vạn An Phát. Điều đó đồng nghĩa với việc công ty này đang hoạt động cho vay trá hình. Công ty Vạn An Phát “lách” bằng cách ký 2 hợp đồng với khách hàng theo hình thức hợp đồng cầm cố và giữ hộ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết xu hướng vay tiêu dùng hiện nay đang tăng trưởng khá nhanh. Vào cuối năm 2010, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm một tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng 2,3% trên tổng dư nợ, tương đương 16.000 tỉ đồng. Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng gấp 5 lần, chiếm tỷ trọng 6,8%/tổng dư nợ, tương đương 90.000 tỉ đồng. Khách hàng của các CTTC thường là những người thu nhập thấp, không tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng nên dù các khoản trả góp hằng tháng thấp nhưng khoản nợ trả lại cao.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển phân tích: “Rất khó có thể so sánh lãi suất vay bán buôn mà ngân hàng đưa ra so với bán lẻ của các công ty. Đã có thời điểm thị trường đặt vấn đề về việc áp mức lãi suất cho vay trần đối với lĩnh vực tiêu dùng để tránh lãi suất cho vay quá cao. Theo tôi không nên có bất cứ một biện pháp hành chính nào về lãi suất mà phía cơ quan chức năng cần xem xét đến việc cấp phép thành lập công ty cho vay tài chính hiện nay có quá khó hay không. Khi thị trường có ít công ty vì việc thành lập quá khó thì sự bắt tay về lãi suất cũng có thể xảy ra. Nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh về lãi suất”.
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cũng nhìn nhận CTTC giúp cho người dân tiếp cận với tín dụng minh bạch, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, với lãi suất cho vay cao tới quá cao, tới 100%, thậm chí vài trăm phần trăm một năm thì đây chính là hình thức tín dụng đen núp bóng CTTC. Đặc biệt là tình trạng các công ty lách luật, cho vay dưới hình thức cầm cố như trường hợp Vạn An Phát, làm ảnh hưởng đến thị trường cho vay tiêu dùng và gây bất ổn cho xã hội nói chung khi nhiều người vay không trả được do lãi suất quá cao, dẫn đến đòi nợ, khiếu kiện.
Phải đọc kỹ hợp đồng
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), tranh chấp về dịch vụ tín dụng tiêu dùng là một trong những nội dung khiếu nại được tiếp nhận nhiều trong năm 2015 vừa qua. Một số người phản ánh khi ký kết, nhân viên thường giải thích qua loa nội dung hợp đồng sau đó nhanh chóng đề nghị họ ký. Ký xong, hợp đồng sẽ được gửi qua địa chỉ bưu điện. Chỉ khi được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký kết, người vay mới phát hiện thấy thông tin về mức lãi suất thường từ 6 - 6,5%/tháng, thay vì từ 1 - 2%/tháng như tư vấn ban đầu. Khi xảy ra tranh chấp, thậm chí là người thân, đồng nghiệp của người vay liên tục bị các số máy lạ gọi điện, nhắn tin từ 6 giờ sáng tới 9 - 10 giờ tối để giục đóng tiền nợ. Rất nhiều cuộc gọi điện bao gồm cả việc đe dọa, sử dụng từ ngữ “chợ búa”, giang hồ để thách thức.
Vấn đề này đã và đang tiếp diễn nhiều năm qua mà chưa có giải quyết thấu đáo ngoài việc một số cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng đọc kỹ hợp đồng trước khi ký.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.