Ngân hàng Nhà nước nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cần Thơ gửi tới sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV liên quan chính sách hỗ trợ cho vay nhằm phát triển ổn định chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo.
Theo đó, cử tri Cần Thơ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm đề xuất ban hành các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn nhằm phát triển ổn định chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo theo chủ trương thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trong nội dung trả lời, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27.11.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành, UBND 12 tỉnh ĐBSCL và đơn vị liên quan xây dựng Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Ngân hàng Nhà nước đã có Tờ trình số 95/TTr-NHNN ngày 9.7.2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai chương trình.
"Ngay sau khi cấp có thẩm quyền xem xét có ý kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp Bộ NN-PTNT, các đơn vị liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Dư nợ cho vay ngành lúa gạo tăng 6,11%
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành hàng lúa gạo nói chung, trong phát triển các chuỗi liên kết lúa gạo nói riêng hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP với nhiều chính sách khuyến khích nhằm hỗ trợ phát triển lĩnh vực này.
Cụ thể như chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm; chính sách cho vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ chế xử lý nợ đặc thù (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ).
Cạnh đó là chính sách giảm lãi suất cho vay khi khách hàng tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp...
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn (hiện nay là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn); chính sách cho vay bằng ngoại tệ để để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ.
Trong công tác chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất, chế biến đến thu mua, tiêu thụ.
Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế thị trường, hàng năm, Ngân hàng Nhà nước đều có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo.
Cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhiều tổ chức tín dụng hiện nay đã có các chương trình, sản phẩm phù hợp với lĩnh vực lúa gạo.
Kết quả, tín dụng đối với ngành lúa gạo luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay ngành lúa gạo toàn quốc đạt 220.937 tỉ đồng, tăng 6,11% so với cuối năm 2023 (cuối năm 2023 tăng 24,09%).
Trong đó, tại vùng ĐBSCL, tín dụng đối với lĩnh vực lúa gạo luôn có mức tăng trưởng cao, hiện đạt khoảng 115.629 tỉ đồng, chiếm 52,34% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.
Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam 9 tháng năm nay đạt 4,37 tỉ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu đã vượt 7 triệu tấn, tăng 9,2%. Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 624 USD/tấn, tăng 13,1%.
Đến nay, cả nước gieo cấy 6,93 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã thu hoạch 5,4 triệu ha, tăng 0,7%; năng suất bình quân 63 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha. Sản lượng trên diện tích thu hoạch 34 triệu tấn, tăng 1,5%.
Hiện vụ lúa hè thu ở phía nam đang bước vào giai đoạn cuối. Còn vụ lúa thu đông ở các tỉnh vùng ĐBSCL đã gieo cấy 626.000 ha, tăng 2,9%. Tuy nhiên, vụ lúa này diện tích gieo cấy cũng không cao nên sản lượng lúa từ nay đến cuối năm cũng không quá dồi dào.
Bình luận (0)