Tín dụng từ nóng sang lạnh

06/12/2023 06:15 GMT+7

Chưa đến 1 tháng nữa hết năm 2023 nhưng một lượng tiền lớn hiện đang nằm trong hệ thống ngân hàng chờ nền kinh tế hấp thụ.

Hơn 846.000 tỉ đồng chờ cho vay

Trong tuần đầu của tháng 12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thực hiện giao dịch nào trên thị trường mở (OMO). Thay vào đó, lượng tín phiếu trị giá khoảng 15.000 tỉ đồng đến thời điểm đáo hạn, toàn bộ số tiền này quay lại thị trường thay vì nhà điều hành hút về trước đó. Không những lượng tiền trên thị trường mở mà một lượng tiền lớn từ tín dụng cũng đang chờ chảy ra thị trường.

Tín dụng từ nóng sang lạnh - Ảnh 1.

Lượng tiền tín dụng khủng còn nằm trong ngân hàng chờ ra thị trường

NGỌC THẮNG

Tính đến ngày 31.10, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 7,39% so với đầu năm, cách xa mục tiêu 14,5% cho cả năm 2023. Như vậy, trong 10 tháng năm nay, nền kinh tế đã hấp thụ được 881.000 tỉ đồng, số còn lại hơn 846.000 tỉ đồng tín dụng dành cho 2 tháng cuối năm.

Tăng trưởng tín dụng những tháng gần đây hoàn toàn trái ngược so với cách đây 1 năm, từ trạng thái nóng chuyển sang lạnh. Các ngân hàng (NH) liên tục giảm lãi suất trên thị trường. Mặt bằng lãi suất liên NH tiếp tục giảm và gần như đi ngang trong 2 tuần trở lại đây. Cụ thể, lãi suất qua đêm đã giảm xuống mức 0,1%. Lãi suất tại các kỳ hạn dưới 1 tháng khác cũng hạ nhiệt và đang giao dịch trong khoảng 0,2 - 0,8%. Đối với lãi suất huy động tiền đồng trong khu vực dân cư, lãi suất cũng đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Mức lãi suất huy động tiết kiệm cao nhất mà Vietcombank vừa đưa ra là 4,8%/năm, thấp nhất 2,4%/năm ở kỳ hạn 1 tháng. Nhiều NH cũng đã đưa mặt bằng lãi suất huy động xuống 5 - 6%/năm.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán MSB, lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các NH quanh mức 5,1%, giảm 34% so với đầu năm. Mặc dù chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn duy trì, đồng thời nhu cầu ngoại tệ tăng cao thường xảy ra trong giai đoạn cuối quý, thế nhưng MSB đưa ra dự báo tỷ giá sẽ dao động trong vùng 24.300 - 24.500 đồng/USD vào các tháng cuối năm. Nguyên nhân là một số yếu tố vĩ mô tích cực như thặng dư thương mại 11 tháng năm 2023 đạt mức ấn tượng 25,8 tỉ USD, lượng kiều hối dự kiến đạt 14 tỉ USD trong năm 2023, FDI thực hiện đạt 20,2 tỉ USD… sẽ góp phần giảm áp lực lên tỷ giá cuối năm. Áp lực tỷ giá giảm tạo điều kiện cho NHNN bơm lượng tiền đã hút ròng trước đó ra thị trường thông qua kênh thị trường mở.

Tăng room nhưng vẫn khó đẩy tín dụng theo kế hoạch

Theo một số NH, tình trạng tín dụng cuối năm từ khu vực doanh nghiệp lẫn cá nhân vẫn tăng rất chậm dù rằng lãi vay xuống thấp. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện mức lãi cho vay tiền đồng còn 3%/năm nhằm thúc đẩy tín dụng. Ông Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét với dư nợ tín dụng 846.000 tỉ đồng mà chỉ triển khai nhanh trong vòng 2 tháng cuối năm, bằng cả con số dư nợ của cả 10 tháng cộng lại thì e rằng khó có thể đẩy nổi ra thị trường. Khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay khó có thể đạt mức đặt ra 14,5%.

Để nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của NHNN trong điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai trong tháng 12 và kết quả thanh tra trong tháng 1.2024.

Trước tình trạng một số NH tăng trưởng tín dụng mạnh, một số tăng chậm nhưng cũng có đơn vị tăng trưởng âm, NHNN vừa qua phân bổ lại hạn mức tín dụng đối với các NH. Mặc dù không công bố cụ thể NH nào được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, song dựa trên những tiêu chí đưa ra thì khả năng những NH có vốn nhà nước và NH cổ phần lớn được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng. Tiêu chí là các NH có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những NH tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và các NH hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua. Nếu xét trên những tiêu chí này thì những NH như Agribank, Vietcombank,

VietinBank, BIDV hay nhóm các NH có mức tăng trưởng tín dụng cao và thường phải nới thêm hạn mức như MB, VPBank, HDBank, ACB, VIB, Techcombank, TPBank và Sacombank… sẽ là những cái tên được nhắc đến.

NHNN cho biết, từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN xem xét, xử lý các nội dung phản ánh của Báo Thanh Niên về quy định vay vốn gây khó cho doanh nghiệp.

Theo công văn, Báo Thanh Niên ngày 15.11 có bài viết phản ánh nội dung về Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề cập quy định cho vay vốn gây khó doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo Thống đốc NHNN nghiên cứu thông tin báo chí để xem xét, có giải pháp xử lý các nội dung phản ánh theo đúng quy định và theo tinh thần lắng nghe các ý kiến của các chủ thể có liên quan, doanh nghiệp, người dân để hoàn thiện khung khổ pháp lý phù hợp, khả thi, hiệu quả, không gây ách tắc, tắc nghẽn dòng vốn tín dụng của nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.