Tin giả, cuộc gọi lừa đảo 'làm nóng' nghị trường Quốc hội

05/11/2022 06:50 GMT+7

Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng về một loạt vấn đề 'nóng' như xử lý thông tin xấu độc, lộ lọt thông tin cá nhân; cuộc gọi rác, lừa đảo...

Là bộ trưởng thứ 2 “đăng đàn” trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4.11, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu về một loạt vấn đề “nóng” như xử lý thông tin xấu độc, lộ lọt thông tin cá nhân; cuộc gọi rác, lừa đảo...

Tăng mức phạt tin xấu độc

Đại biểu (ĐB) Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu thời gian qua việc ngăn chặn, xử lý thông tin còn chậm đã tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội; đồng thời đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp.

Cùng mối quan tâm, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng xử lý, nếu không cẩn thận dễ dẫn đến tác dụng ngược là “PR cho người đốt đền để nổi tiếng”. Hiện, theo ĐB, có hàng chục triệu tài khoản trên mạng xã hội (MXH), nhiều tài khoản địa chỉ nước ngoài, trong khi lực lượng của ngành TT-TT thì mỏng.

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc xử lý tin giả, tin xấu độc được Chính phủ, Bộ TT-TT rất chú trọng, “nâng tầm từ thông tư lên nghị định”, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan; thời gian yêu cầu hạ từ 48 giờ giảm xuống 24 giờ. Mức phạt đối với hành vi đưa tin giả, tin xấu độc tăng gấp 3 lần, nhưng so với các nước khu vực chỉ bằng 1/10. “Bộ TT-TT sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ đưa mức xử phạt đối với hành vi đưa tin giả, tin xấu độc lên mức răn đe, ít nhất ngang mức trung bình các nước trong khu vực”, ông Hùng cho hay.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh quan điểm “thế giới thực ra sao thì không gian mạng như vậy. Ai quản lý gì trên thế giới thực thì không gian mạng quản lý cái đó”. Nói cách khác, cả hệ thống chính trị, xã hội phải vào cuộc, chỉ một mình Bộ TT-TT hay Bộ Công an sẽ không làm hết được.

Ảnh

Gia Hân

Chúng ta phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với thái độ trách nhiệm, không né tránh. Không phải chỉ khen một chiều mới là hay, vì thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên)

Tranh luận với Bộ trưởng, ĐB Đỗ Chí Nghĩa cho rằng nếu đời thực có biên giới hành chính thì trên mạng lại là các nền tảng đa quốc gia. Do đó, nếu như chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin, xử lý tài khoản vi phạm, “chẳng khác gì phòng chống Covid-19 mới dừng ở đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa”. Theo ông, giải pháp căn cơ nhất là phải nâng cao sức đề kháng, giống như có vắc xin, tức là người dân, công chúng không tin, không nghe thông tin xấu độc.

“Chúng ta phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với thái độ trách nhiệm, không né tránh. Không phải chỉ khen một chiều mới là hay, vì thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc”, ĐB Nghĩa nêu. Ông cũng cho rằng chỉ sau 5 - 10 phút, một thông tin độc hại có thể lan tỏa rất rộng, do đó không gian mạng không thể chỉ sử dụng các biện pháp như trong đời thực.

Đáp lại, Bộ trưởng Hùng đồng ý việc phải có đề kháng cho người dân bởi thông tin giống như không khí, tin xấu mà nhiều thì không khí bị vấy bẩn, đồng thời cho biết Bộ TT-TT đã có nhiều giải pháp để giáo dục kỹ năng số cho người dân song song với vận hành hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, rà quét và chủ động gỡ để làm sạch.

Lo ngại lộ lọt dữ liệu cá nhân

Trước chất vấn của ĐB về trách nhiệm của Bộ TT-TT với nạn lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Hùng cho biết đây là vấn đề nan giải không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Bộ đã công khai đầu số 156 và các trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân. Về số điện thoại, Bộ đã tập trung xử lý sim rác, xóa 22 triệu thuê bao thông tin không chính xác. Theo ông, việc xử lý triệt để sim rác bằng 0 thì khó làm được, nhưng từ nay đến cuối năm sẽ tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện một người sở hữu nhiều sim.

Tuy nhiên, theo ĐB Trình Lam Sinh (đoàn An Giang), người dân gần đây vẫn nhận được nhiều cuộc gọi thông báo “vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển khoản nộp phạt, nếu không sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố”. Ông Sinh đặt câu hỏi vì sao những kẻ xấu lại biết tên tuổi, số điện thoại, nơi làm việc, thậm chí cả chức danh, chức vụ của công dân cũng như giải pháp xử lý của bộ?

Theo lý giải của Bộ trưởng Hùng, có 2 nhóm nguyên nhân chính, về phía các tổ chức, doanh nghiệp (DN) khi thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, bị hacker tấn công lấy cắp dữ liệu. Theo báo cáo của ngành công an, “chợ đen” dữ liệu VN có khoảng 1.300 GB thông tin bị lộ lọt đang được rao bán, tính ra hàng tỉ thông tin. Nguyên nhân khác do người dân còn dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân mình. Hoặc DN quản lý nội bộ kém để cho nhân viên dữ liệu lấy thông tin bán ra bên ngoài.

Về giải pháp, Bộ trưởng TT-TT cho biết đã ban hành Cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó hướng dẫn cách thức để người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu lộ lọt thông tin thông qua các DN, tổ chức quốc tế để người dân tra cứu. Các cơ quan, DN phải làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại, nhằm phân biệt cuộc gọi của tổ chức có trách nhiệm với cuộc gọi lừa đảo.

Quốc hội nói về livestream của bà Phương Hằng | Hàng ngàn công nhân lo mất việc

Bổ sung thêm phần trả lời của Bộ trưởng TT-TT, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân đang diễn ra rất phức tạp. Chính phủ và Bộ Công an đang hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế đặc thù trong bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng. Trong đó đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác là vấn đề “nóng” đang gây nhiều bức xúc

Đào Ngọc THạch

Chặn gọi rác, siết livestream

ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) phản ánh việc người dân bị “khủng bố” qua điện thoại, trong đó có cả tin nhắn, thậm chí điện thoại trực tiếp để đòi nợ thuê hoặc quảng cáo. Giải trình với ĐB Thông, Bộ trưởng Hùng cho hay năm 2022 có khoảng 30.000 thông tin phản ánh, trong đó có 88% liên quan đến số điện thoại hoặc tin nhắn rác. Theo ông, tại Mỹ người dân nhận điện thoại rác hằng tháng gấp 3 lần Việt Nam.

Bộ TT-TT đã công bố số điện thoại để người dân có thể nhắn tin, gọi điện phản ánh những cuộc gọi rác; chỉ đạo nhà mạng xử lý hoặc chuyển sang Bộ Công an. Ông Hùng cũng khẳng định để xử lý cuộc gọi rác phải sử dụng công nghệ, hiện mỗi tháng chặn khoảng 30.000 - 40.000 số điện thoại phát tán thông tin rác.

Ảnh

Gia Hân

Bộ Thông tin - truyền thông sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ đưa mức xử phạt đối với hành vi đưa tin giả, tin xấu độc lên mức răn đe, ít nhất ngang mức trung bình các nước trong khu vực.

Bộ trưởng Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Băn khoăn vấn đề báo hóa MXH, ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) hai lần chất vấn về việc xử lý các vụ vi phạm còn lúng túng. Ví dụ như vụ bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. “Xảy ra như vậy phải chăng là những người vi phạm có ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ xử lý chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau hay không?”, ĐB nêu.

Bộ trưởng Bộ TT-TT: Sẽ bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng

Theo Bộ trưởng Hùng, thời điểm xử lý livestream của bà Nguyễn Phương Hằng vì chưa có quy định pháp luật cụ thể, chứ không có chuyện do nhiều tiền nên chậm xử lý. Khi đó đã áp dụng Nghị định 72 xử phạt 2 lần, sau đó chuyển cho cơ quan hình sự xử lý.

Ông cũng khẳng định đang sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, chẳng hạn chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livestream, phải cung cấp thông tin thời gian; nếu bán hàng thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...

Sửa nghị định liên quan sổ hộ khẩu giấy

Cho biết Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu của 12 bộ ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 15 địa phương, song theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, việc triển khai còn gặp khó khăn. Nguyên nhân do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, chưa đảm bảo phương án an toàn, chưa số hóa dữ liệu... Bộ Công an đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi 19 nghị định hiện hành có quy định liên quan tới hộ khẩu, dự kiến sẽ ban hành và có hiệu lực từ 15.12.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.