Mới đây, một trang Facebook tự xưng là cộng đồng hâm mộ nhà báo Lại Văn Sâm (Lại Văn Sâm FC) với gần 150 nghìn lượt thích và hơn 280 nghìn lượt theo dõi đã đăng tải thông tin “Đoàn tàu đưa người về quê ăn Tết gặp nạn ở Thừa Thiên-Huế khiến 227 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương”.
Thông tin giả gây hoang mang, thế nhưng lượt tương tác cao ngất ngưởng |
CHỤP MÀN HÌNH |
Đây là thông tin bịa đặt, lấy ảnh từ vụ tai nạn tàu E1 diễn ra vào năm 2005 và số liệu thương vong được đẩy lên cao nhằm giật tít, gây tâm lý hoang mang.
Mặc dù thông tin chia sẻ đính kèm liên kết dẫn đến một trang web đăng tải nhiều tin thất thiệt, giật tít và không có chứng chỉ an toàn nhưng bài đăng vẫn nhận về lượt tương tác, bình luận và chia sẻ cao ngất ngưởng. Đáng quan ngại hơn, quản trị viên của fanpage đã cài đặt bộ lọc để tất cả bình luận cảnh báo tin giả bị ẩn đi.
Đây chỉ là một trong những ví dụ rất điển hình của câu nói “tin giả, tác hại thật”. Tết Nguyên đán gần kề, các tin tức sai lệch, tin giả cũng có dịp nở rộ. Không chỉ gây tâm lý hoang mang, sợ hãi, những thông tin giả câu “view”, câu lượt truy cập vào các web “rác” còn để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.
Mới đây tin đồn với nội dung Đà Nẵng sẽ phong tỏa cứng trong ngày 25 Tết đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, sau đó đã nhanh chóng bị bác bỏ bởi bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng.
Anh Ngô Minh Hiếu, đến từ Trung tâm Giám sát an ninh mạng Quốc gia (NCSC), đã tiến hành một thí nghiệm nhỏ về sự lan truyền của tin giả trên Facebook. Kết quả, tin giả với nội dung giật gân có tốc độ lan truyền chóng mặt và nhiều công cụ kiểm chứng thông tin (fact-checkers) trên nền tảng mạng xã hội này lại hoạt động rất kém hiệu quả.
Chỉ với 3 phút, bạn đã có thể tố giác các trang tin giả mạo, lừa đảo |
CHỤP MÀN HÌNH |
Chuyên gia an ninh mạng này đưa ra một số mẹo hữu ích để nhận dạng tin giả:
· Luôn hoài nghi về những tiêu đề giật gân, gây sốc; không nên chỉ đọc tiêu đề, hãy đọc cả nội dung.
· Kiểm tra đường dẫn bài viết, để xem đó có phải là trang tin chính thống hay không. Một số trang web giả mạo tinh vi sẽ có tên miền gần giống so với trang chính thống, hãy cẩn thận!
· Điều tra, kiểm chứng nguồn gốc nội dung. Nếu câu chuyện đến từ một tổ chức không quen thuộc, hãy xem phần "Giới thiệu" của họ để tìm hiểu thêm.
· Để ý định dạng bất thường: Nhiều trang tin tức giả mạo thường có phông chữ kỳ quặc, sai lỗi chính tả và bố cục khó hiểu.
· Truy nguồn gốc hình ảnh qua công cụ Google Hình ảnh (https://www.google.com.vn/imghp?hl=vi); kiểm tra các nguồn bằng chứng từ các trang báo, tin tức uy tín...
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trang web có dấu hiệu lừa đảo, đăng tin giả, hãy gửi cảnh báo lừa đảo mạng đến NCSC theo các bước: Truy cập vào trang https://canhbao.ncsc.gov.vn/, nhấn Gửi cảnh báo lừa đảo mạng. Tại trang gửi cảnh báo, điền thông tin của trang web lừa đảo (URL/domain/email là bắt buộc) và nhấn Gửi.
Deepfake: video giả, nguy hại thật |
Bình luận (0)