Tín hiệu nào từ ngày đầu VinFast lên sàn Mỹ?

Tín hiệu nào từ ngày đầu VinFast lên sàn Mỹ?

16/08/2023 17:42 GMT+7

Cổ phiếu của VinFast có mã là VFS đã tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tiên khi ra mắt sàn chứng khoán Nasdaq vào tối 15.8 theo giờ Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên cho tham vọng vươn ra toàn cầu của hãng xe Việt Nam.

VinFast đang thâm nhập thị trường Mỹ và châu Âu vào thời điểm lĩnh vực xe điện có nhiều sự cạnh tranh từ Tesla và một loạt hãng xe Trung Quốc. Cổ phiếu của VinFast có mã là VFS tăng vọt trong giao dịch đầu tiên khi ra mắt sàn chứng khoán Nasdaq vào tối 15.8 theo giờ Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên cho tham vọng vươn ra toàn cầu của hãng xe Việt Nam. VinFast cho biết họ có khả năng huy động tiền từ các nhà đầu tư toàn cầu trong vòng 18 tháng tới.

Cổ phiếu VinFast chào sàn Nasdaq ở mức 22 USD/cổ phiếu và đóng cửa tăng cao ở mức 37,06 USD, tương ứng tăng 68,4% so với mức giá mở cửa. Khối lượng khớp lệnh của VFS trong phiên đầu tiên đạt gần 6,8 triệu.

Sau phiên giao dịch đầu tiên, mức định giá của VinFast đã tăng lên 85 tỉ USD, cao hơn giá trị vốn hóa thị trường 48 tỉ USD của Ford và 46 tỉ USD của General Motors. Theo dữ liệu của Refinitiv, khoảng 185 triệu USD giá trị cổ phiếu của công ty đã được trao đổi.

Giám đốc tài chính David Mansfield của VinFast nói với hãng tin Reuters rằng công ty có một số nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tổ chức đang cân nhắc. VinFast dự kiến sẽ hình thành một số hình thức huy động vốn trong vòng 18 tháng tới.


Về mặt kinh doanh, VinFast đã vận chuyển gần 3.000 xe sang Bắc Mỹ kể từ cuối năm ngoái, nhưng doanh số ban đầu còn chậm. Doanh thu quý I của VinFast giảm 49% so với cùng kỳ năm trước và lỗ ròng 598 triệu USD. Vào năm 2022, công ty đã lỗ 2,1 tỉ USD. Hãng xe Việt đã bắt đầu xây dựng nhà máy trị giá 4 tỉ USD ở Bắc Carolina.

Xe VF8 của VinFast có giá khởi điểm 46.000 USD tại California, thấp hơn một chút so với mức giá 47.740 USD của Tesla Model Y trước khi tính khoản tín dụng thuế liên bang 7.500 USD cho Tesla.

VinFast dự kiến sẽ đưa mẫu xe VF9 đến thị trường Mỹ vào cuối năm nay và đang trong quá trình lấy chứng nhận của cơ quan quản lý an toàn châu Âu.

VinFast được hình thành với tư cách là một đơn vị thuộc tập đoàn Vingroup. Hồi tháng 6, tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Vingroup và các chi nhánh đã đầu tư 9,3 tỉ USD vào nhà sản xuất xe điện. Tháng 4, ông Vượng đã cam kết đóng góp 2,5 tỉ USD để hỗ trợ nhà sản xuất xe điện, trong đó có 1 tỉ USD từ tài sản cá nhân của ông.


Theo hồ sơ, tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành của VinFast Auto là hơn 2,307 tỉ cổ phiếu. Trong đó, Tập đoàn Vingroup sở hữu 51,36%, hai công ty đầu tư riêng thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam sở hữu 33,37% và Asian Star Trading & Investments sở hữu gần 15%. Còn lại một phần nhỏ thuộc về các cổ đông khác.

Như vậy, tổng cộng 2 công ty đầu tư của ông Vượng đang nắm giữ xấp xỉ 1,115 tỉ cổ phiếu VFS, tương đương 48,33% cổ phần VinFast.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.