Tín hiệu xanh mang văn chương Việt ra thế giới

22/07/2024 07:17 GMT+7

PGS-TS Phạm Xuân Thạch cho rằng việc dịch giả An Lý dịch tác phẩm của Thuận và Nguyễn Ngọc Tư ra tiếng Anh là tín hiệu xanh cho việc mang văn chương Việt ra thế giới.

Ít nhưng có giải thưởng

Tháng 11.2023, Nguyễn An Lý trở thành dịch giả Việt đầu tiên được Hiệp hội Dịch giả văn học Mỹ (The American Literary Translators Association, ALTA) trao Giải thưởng Dịch thuật quốc gia (National Translation Awards, NTA) với tác phẩm Chinatown của nhà văn Thuận. Đại diện ban tổ chức khi đó đánh giá bản dịch của Nguyễn An Lý là một "kỳ công". Được trao giải ở hạng mục văn xuôi, Nguyễn An Lý nhận giải thưởng 4.000 USD. Cô cũng là người dịch nhiều tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt, với khoảng hơn 20 bản dịch như Chuyện người tùy nữ của Margaret Atwood, Tàn ngày để lại của Kazuo Ishiguro, Aleph của Jorge Luis Borges, thơ trong tác phẩm Chúa tể những chiếc nhẫn của J.R.R. Tolkien...

Tín hiệu xanh mang văn chương Việt ra thế giới- Ảnh 1.

Dịch giả Nguyễn An Lý và tác phẩm Chinatown do cô chuyển ngữ sang tiếng Anh

ALTA/NEW DIRECTIONS

Tháng 3.2024, Nguyễn An Lý tiết lộ sẽ xuất bản Biên sử nước phiên bản tiếng Anh của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm này phát hành qua nhà xuất bản Major Books - một thương hiệu mới ở Anh, chuyên về dịch thuật văn học VN. Biên sử nước là một tiểu thuyết mỏng (125 trang), gồm 11 chương được Nguyễn Ngọc Tư viết theo kết cấu vòng tròn, không diễn tiến không kết thúc. Một trận đại hồng thủy mở ra và không thể khép lại. Thời điểm ra mắt bản sách tiếng Việt hồi năm 2020, Phanbook (đơn vị làm sách) đã nhận trên 3.000 đơn đặt hàng từ các nhà phát hành. Con số này là đáng kể với tiểu thuyết của tác giả VN đương đại thời điểm đó và cả bây giờ.

Trong khi đó, thương hiệu CHI Cultural JSC - Chibooks của dịch giả Nguyễn Lệ Chi cũng đều đặn đưa tác phẩm văn chương Việt sang Trung Quốc trong khuôn khổ tủ sách văn hóa Việt của mình. Nữ CEO này đã bán thành công sách bản quyền tiếng Trung sang thị trường Trung Quốc. Một số tác phẩm khác của Chibooks cũng được các NXB Trung Quốc "ngắm nghía" như Về Huế ăn cơmBên sông Ô Lâu của nhà văn Phi Tân. Ngoài ra, cuốn sách thể loại tản văn khảo cứu Người Hà Nội - Chuyện ăn, chuyện uống một thời của tác giả Vũ Thế Long đã được chuyển ngữ xong, NXB Khoa học kỹ thuật Quảng Tây dự kiến phát hành bản tiếng Trung trong năm 2024 theo thỏa thuận ký kết bản quyền ngày 20.5. Trước đó, cuốn sách Người Hà Nội - Chuyện ăn, chuyện uống một thời ra mắt ở VN vào đầu 2021. Một tác phẩm khác cũng sẽ ra mắt là Vắt qua những ngàn mây của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, bản tiếng Trung theo ký kết trên.

Mô hình bền vững nào ?

Trước đây, nhiều tác phẩm VN đã được dịch và giới thiệu ở nước ngoài. Trong số này có thể kể đến Nhật ký trong tù (Chủ tịch Hồ Chí Minh) được dịch ra trên 10 thứ tiếng; Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) được dịch ra gần 40 thứ tiếng; Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) dịch ra khoảng 20 thứ tiếng; Truyện Kiều (Nguyễn Du) với trên 40 thứ tiếng; tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó mới nhất là tiếng Hàn Quốc…

Tín hiệu xanh mang văn chương Việt ra thế giới- Ảnh 2.

Cuốn sách của TS Vũ Thế Long sau khi xuất bản tại VN đã bán được bản dịch sang Trung Quốc

CHIBOOKS

Mặc dù vậy, hoạt động dịch giới thiệu văn chương VN nhìn từ Hội Nhà văn VN lại không mấy khả quan. Một lãnh đạo của Hội chia sẻ: "Hiện tại bên Hội Nhà văn VN chưa có chương trình gì để dịch giới thiệu văn học ra nước ngoài. Do không có ngân sách nên mới dừng lại ở mức bàn bạc. Vẫn có các hoạt động hợp tác theo kiểu tầm nhìn thôi. Dù mong muốn nỗ lực nhưng không có hoạt động gì giới thiệu. Sắp tới giới thiệu tuyển tập 100 nhà thơ Pakistan, giới thiệu nhà văn kinh điển hàng đầu Pakistan, giới thiệu văn học Mông Cổ… Còn dịch văn học Việt ra nước ngoài chưa có. Muốn quảng bá lắm nhưng còn thiếu kinh phí".

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì hiện tại có một nhóm dịch giả của Nhà Zzz đang thực hiện việc dịch thuật văn chương Việt ra nước ngoài khá đều. Dịch giả An Lý là một trong những người như thế. "Tôi thỉnh thoảng vẫn nhận được câu hỏi liên quan kết nối với tác giả văn học để dịch", ông Phạm Xuân Nguyên nói.

PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội), đánh giá cao các tín hiệu tích cực từ dịch văn chương Việt ra nước ngoài thời gian gần đây. Theo ông: "Việc dịch và giới thiệu văn học VN đang có những chuyển biến tích cực vì đang có sự phân công kết hợp giữa người dịch và người viết. Trường hợp của dịch giả An Lý và nhà văn Thuận rất ổn, An Lý cũng vừa dịch thêm một cuốn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đấy là dấu hiệu tốt, nghĩa là thay vì những vật lộn cá nhân thì đang hình thành những quan hệ chuyên nghiệp hơn".

Bên cạnh đó, PGS-TS Phạm Xuân Thạch cũng cho rằng mô hình dịch giả An Lý làm với Thuận và Nguyễn Ngọc Tư là một mô hình tích cực. Đây là cách mà văn chương VN sẽ được giới thiệu bền vững ra nước ngoài. Cách thức này chú trọng chất lượng, tìm được thứ để đại diện cho văn chương VN. Việc xuất bản sách ở những NXB uy tín, vượt khỏi không gian đại học, giúp tác phẩm có thể ra thị trường, đến với người đọc nhiều hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.