Ngày 29.11, tại tỉnh Nam Định diễn ra các chương trình hội nghị, hội thảo, thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003 - 2023) và đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với Di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt".
Chuỗi sự kiện do Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Nam Định tổ chức, diễn ra từ sáng 29.11 đến hết ngày 30.11. Dự sự kiện có các đại diện Bộ VH-TT-DL; lãnh đạo tỉnh Nam Định; đại diện ngành văn hóa của 21 tỉnh, thành phố và hơn 300 đại biểu là các nghệ nhân, nhà nghiên cứu di sản.
Năm 2023 đánh dấu tròn 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Văn hóa, Giáo dục, Khoa học của LHQ (UNESCO) thông qua. Công ước mang giá trị toàn cầu nhằm gìn giữ, bảo tồn truyền bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống nhân loại, tăng cường nhận thức và sự tham gia của các cộng đồng địa phương, quốc gia, thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này.
Năm 2005, VN là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Đến nay, nước ta đã có 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh. Trong đó, "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nam Định là địa phương đại diện các tỉnh, thành phố có di sản chủ trì xây dựng hồ sơ trình UNESCO và tổ chức đón Bằng vinh danh di sản vào năm 2017.
Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ và phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tỉnh Nam Định, nêu ra một số hoạt động tiêu biểu của cộng đồng trong việc bảo tồn truyền dạy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" như: Tổ chức thực hành, trao truyền di sản; Tham gia hội nghị, hội thảo; Tích cực tham gia hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu di sản; Tổ chức các hoạt động xã hội…
Bên cạnh đó, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thanh Bình cũng nêu ra những thuận lợi, khó khăn và một số đề xuất. Cụ thể, các hoạt động của cộng đồng trong việc bảo tồn và truyền dạy các giá trị của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Nam Định sau khi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được sự đồng thuận rất cao của cộng đồng, chủ thể thực hành di sản, cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản.
"Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của di sản; nhiều chủ thể nắm và thực hành di sản, được coi là "báu vật sống" thì phần lớn đã cao tuổi, sức khỏe yếu nên việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn; việc vinh danh các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực còn hạn chế, chưa kịp thời...", Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thanh Bình nói.
Sau hội nghị, hội thảo tại TP.Nam Định, từ chiều 29.11 đến hết ngày 30.11, các hoạt động tổ chức thực hành, truyền dạy Di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" sẽ diễn ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Nam Định như Khu di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, H.Vụ Bản) và di tích Phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, H.Ý Yên).
Trong không khí uy nghi, trang trọng của buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Khu di tích Phủ Dầy, chia sẻ về việc gìn giữ và phát huy những giá trị phi vật thể trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Cường (chủ đền Vân Cát, Khu di tích Phủ Dầy) chia sẻ: "Chúng tôi là thế hệ sau, chúng tôi luôn xác định giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ truyền thực hành tín ngưỡng hầu đồng. Hầu nghĩa là hầu lại những giá của các ngài ngày xưa, những việc làm của người xưa nhưng mang đầy tính nhân văn, không phải xuyên tạc, phán những điều sai sự thật…".
Vào chiều tối qua (29.11), tại phủ Vân Cát (Khu di tích Phủ Dầy) đã thực hành 20 giá hầu đồng do 7 nghệ nhân thực hiện.
Bình luận (0)