Tin ở hoa hồng !?

12/10/2019 07:41 GMT+7

Quy trình nào cũng đúng nhưng quy trình chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh.

Câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn nhất trong vụ việc “trộm long tráo phụng” hy hữu xảy ra tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk chính là “tuyệt chiêu” nào đã giúp cô nhân viên xí nghiệp chế biến cà phê Trần Thị Ngọc Thảo (hay Thêm) vượt qua đủ các loại quy trình về công tác cán bộ để trở thành trưởng phòng Trần Thị Ngọc Ái Sa với tấm bằng cấp 3 của chị gái mình?
Bởi lẽ, chỉ với quy trình tuyển dụng công chức thông thường, không phải cán bộ, thì theo quy định hiện hành đã phải trải qua 5 bước từ tiếp nhận hồ sơ, lập hội đồng tuyển dụng, tổ chức tuyển dụng, niêm yết công khai kết quả rồi mới ra quyết định tuyển dụng. Chưa hết, người trúng tuyển còn phải trải qua thời gian tập sự trước khi được bổ nhiệm vào ngạch công chức.
Đó là chưa kể tới đủ loại quy trình mà bà Thảo phải “đối mặt” từ quy trình xác minh lý lịch Đảng cho tới quy trình quy hoạch, bổ nhiệm hết sức ngặt nghèo đối với cán bộ lãnh đạo ở một cơ quan quan trọng như Văn phòng Tỉnh ủy…
Thế mà chỉ bằng chiêu dùng bằng tốt nghiệp cấp 3 của người chị gái ở quê nhà Lâm Đồng, suốt 20 năm qua, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã đi học tới tận thạc sĩ, vào làm tại Văn phòng Tỉnh ủy (từ 2011), được kết nạp Đảng (năm 2013) và được bổ nhiệm phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy (năm 2016). Và nếu sự việc không vỡ lở, khó ai có thể biết bà Thảo sẽ còn được quy hoạch vào chức vụ nào trong tương lai.
Nhưng nữ trưởng phòng Trần Thị Ngọc Ái Sa có lẽ không phải là trường hợp duy nhất vượt qua “trùng trùng điệp điệp” những quy trình của công tác cán bộ, khi dư luận đã không ít lần té ngửa với rất nhiều trường hợp quan chức sử dụng bằng giả hay những tấm bằng không ai có thể chắc chắn về chất lượng.
Quy trình nào cũng đúng nhưng quy trình chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Quá tin vào quy trình, có thể chặt chẽ nhưng cứng nhắc, người ta sẵn sàng tin vào tờ giấy A4 nhiều hơn là tin vào những người bằng xương, bằng thịt đang hiện hữu trước mặt. Và chính điều này đang đẻ ra không ít những hệ lụy hết sức trái ngang về mặt xã hội chứ không chỉ là công tác cán bộ.
Có tới hàng trăm vụ việc mà khi đủ các cơ quan vào rà soát tới lui người ta vẫn không lý giải được cái sai sót nằm ở đâu vì tất cả vẫn… đúng quy trình. Thói háo danh, giả dối, sính bằng cấp đang được nuôi dưỡng, lây lan qua con đường của những quy trình.
Khi viết kịch bản Tin ở hoa hồng để nói về niềm tin của những người trẻ vào một xã hội tốt đẹp như cách họ tin rằng trên đời này còn có hoa hồng cách đây 37 năm, nhà soạn kịch tài ba Lưu Quang Vũ hẳn chưa biết rằng, ngày nay có thứ còn quan trọng hơn cả hoa hồng. Ấy là quy trình.
Bởi xét đến cùng, khi người ta chỉ còn biết tin vào những tờ chứng chỉ, những quy trình thì có nghĩa người ta đang mất niềm tin nhất. Và khi ấy, hoa hồng sẽ chẳng còn lý do để tồn tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.