Theo Reuters, các quan chức chính phủ Mỹ và Anh hôm 1.7 cho biết trong một cuộc tư vấn chung rằng Đơn vị 26165, chi nhánh của cơ quan gián điệp quân sự của Nga, đã sử dụng mạng riêng ảo (VPN) và Tor, một mạng tập trung vào quyền riêng tư, để “phổ biến, phân tán, thực hiện các nỗ lực truy cập ẩn danh nhằm chống lại hàng trăm mục tiêu của chính phủ và khu vực tư nhân”. Được biết, đơn vị đặc biệt này có các điệp viên từng bị cáo buộc đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Các cố vấn chính phủ không nêu đích danh bất kỳ mục tiêu tấn công nào, chỉ nói chúng chủ yếu ở Mỹ và châu Âu, bao gồm các văn phòng chính phủ, đảng phái chính trị, công ty năng lượng, công ty luật và tổ chức truyền thông. Đại sứ quán Nga tại Washington D.C (Mỹ) đã không trả lời yêu cầu bình luận. Quan chức Nga thường xuyên bác bỏ cáo buộc về việc sử dụng tin tặc để thăm dò các nước đối thủ.
Thông tin về Đơn vị 26165 lần đầu tiên được công khai vào giữa năm 2018, khi hàng chục thành viên bị truy tố trong cuộc điều tra của ông Robert Mueller, Giám đốc thứ sáu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), cố vấn đặc biệt chỉ huy cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Năm ngoái, đơn vị này lại bị giới chức Mỹ gọi tên vì cho rằng đã sử dụng phần mềm độc hại để xâm nhập vào hệ thống Linux.
Theo Reuters, cuộc họp cố vấn chung hôm 1.7 được thực hiện bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, chi nhánh không gian mạng của Bộ An ninh nội địa, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh. Thời gian gần đây, các cơ quan gián điệp ở Mỹ và Anh ngày càng thường xuyên lên tiếng kêu gọi cảnh giác về các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài, đặc biệt là những cuộc xâm nhập có nguồn gốc từ Nga hoặc Trung Quốc.
Bình luận (0)