Tin tặc phát triển kỹ thuật tinh vi tấn công mạng Wi-Fi

26/11/2024 10:56 GMT+7

Tin tặc Nga phát triển kỹ thuật tấn công mạng Wi-Fi mới cực kỳ nguy hiểm.

Theo TechSpot, các chuyên gia an ninh mạng vừa lên tiếng cảnh báo về một kỹ thuật tấn công mạng mới tinh vi do tin tặc Nga phát triển, có khả năng xâm nhập mạng Wi-Fi từ xa mà không cần tiếp cận mục tiêu.

Tin tặc phát triển kỹ thuật tinh vi tấn công mạng Wi-Fi - Ảnh 1.

Tin tặc Nga phát triển kỹ thuật tấn công Wi-Fi mới cực kỳ nguy hiểm

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH TECHSPOT

Kỹ thuật tấn công Wi-Fi mới đầy nguy hiểm của tin tặc Nga

Được đặt tên là 'Nearest Neighbor Attack', kỹ thuật này cho phép tin tặc xâm nhập vào mạng Wi-Fi mục tiêu bằng cách xâu chuỗi, khai thác lỗ hổng của các mạng lân cận.

Cụ thể, tin tặc sẽ tấn công một mạng Wi-Fi dễ bị xâm nhập gần mục tiêu, sau đó kiểm soát một thiết bị trong mạng đó và sử dụng thiết bị này làm 'cầu nối' để tấn công mạng Wi-Fi mục tiêu. Điều đáng lo ngại là tin tặc có thể thực hiện chuỗi tấn công này qua nhiều mạng Wi-Fi trung gian, khiến việc truy vết và xác định thủ phạm trở nên vô cùng khó khăn.

Kỹ thuật này được phát hiện bởi công ty an ninh mạng Volexity khi điều tra một vụ tấn công mạng vào năm 2022. Các bằng chứng cho thấy thủ phạm là nhóm tin tặc Fancy Bear (APT28), thuộc cơ quan tình báo quân đội của Nga.

Giới chuyên gia nhận định, phương pháp tấn công tinh vi này là bước tiến mới trong chiến thuật tấn công mạng của Nga, cho thấy sự tinh vi và nguy hiểm ngày càng tăng của các tác nhân quốc gia trong không gian mạng.

Để phòng tránh kiểu tấn công này, các chuyên gia khuyến nghị:
  • Giới hạn phạm vi phát sóng Wi-Fi.
  • Ẩn tên mạng Wi-Fi (SSID).
  • Sử dụng mật khẩu mạnh và bật xác thực hai yếu tố.
  • Thường xuyên kiểm tra, giám sát các điểm truy cập Wi-Fi.
  • Đặc biệt chú ý bảo mật các điểm truy cập gần cửa sổ, tường ngoài.

Các chuyên gia cảnh báo chiêu bài tấn công này có thể sẽ trở nên phổ biến trong tương lai, do đó các tổ chức và cá nhân cần nâng cao cảnh giác, áp dụng các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ thông tin trên không gian mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.