Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 18.2: Nhiều nơi nâng cao mức độ chống dịch
18/02/2021 19:30 GMT+7
Bản tin tổng hợp dịch Covid-19 hôm nay 10.2 (30 Tết) của Báo Thanh Niên tổng hợp lại các tin tức đáng chú ý về diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống dịch của các địa phương cùng nhiều thông tin liên quan khác.
Tự động phát
Chiều 18.2: Thêm 18 ca mắc Covid-19 tại Hải Dương
Bản tin 18 giờ ngày 18.2 - tức chiều mùng 7 Tết Tân Sửu 2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết có 18 ca mắc mới Covid-19 tại Hải Dương.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 1.448 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.1 đến nay: 755 ca.
Thông tin các ca mắc mới cụ thể như sau:
18 bệnh nhân từ 2330 đến 2347 ghi nhận tại Hải Dương, trong đó 15 ca là F1 và đã được cách ly trước đó; 1 ca trong khu vực phong toả; 1 ca phát hiện qua giám sát ho, sốt trong cộng đồng và 1 ca phát hiện qua giám sát, khám sàng lọc tại trung tâm y tế. Công tác điều tra dịch tễ đang được tiếp tục.
Hiện có 2 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh; 1 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương và 15 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
2 bệnh nhân Covid-19 đang diễn biến rất nặng và nguy kịch
Ngày 18.2.2021, thông tin từ Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết hiện có 2 bệnh nhân đang điều trị tại Việt Nam có diễn biến nặng và nguy kịch. Cụ thể:
Bệnh nhân 1.823 (bệnh nhân nam, 65 tuổi, địa chỉ tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội, có liên quan đến ổ dịch Covid-19 tại Hải Dương, bố của ca bệnh 1.725) hiện có đờm đặc, run cơ nhiều, phù nhiều vùng thấp, bụng mềm và chướng vừa, xuất huyết dưới da bụng tại vị trí tiêm. Bệnh nhân ăn chậm tiêu, chảy ít máu vùng miệng. Bệnh nhân đang phải can thiệp ECMO sang ngày thứ tư tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân 1.536 (bệnh nhân nữ, 79 tuổi, về từ Mỹ) đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân này có tiền sử đái tháo đường týp 2, tăng huyết áp đã 10 năm, nhập viện ngày 15.1.2021. Bệnh diễn biến nhanh, tiên lượng tử vong cao. Ca bệnh 1.536 đã được hội chẩn trực tuyến quốc gia 4 lần. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực ECMO ngày thứ 16. Bệnh nhân phù toàn thân, thể trạng suy kiệt nặng. Phổi 2 bên của bệnh nhân này đông đặc nặng, ít dịch màng phổi...
Ngoài 2 bệnh nhân nặng phải can thiệp ECMO nêu trên, hiện trên cả nước còn 1 bệnh nhân thở máy không xâm nhập và 16 bệnh nhân tiên lượng nặng.
Vừa về quê ăn tết, tới TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Sáng 18.2.2021, nhiều hành khách di chuyển bằng xe khách về Bến xe Miền Đông đã được Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Trong đó, có nhiều người đang học tập và làm việc ở TP.HCM nhưng vừa về từ những tỉnh đang có dịch Covid-19.
Thời gian lấy mẫu từ 4 đến 6 giờ là khung giờ nhiều xe khách từ các tỉnh ở Tây Nguyên và phía Bắc tập kết vào bến. Khi vừa xuống xe, hành khách được nhân viên y tế hướng dẫn khai báo y tế rồi sau đó lấy mẫu xét nghiệm. Mặc dù vừa phải di chuyển một quãng đường dài và phải chờ đợi để lấy mẫu nhưng mọi tất cả mọi người đều nghiêm túc tuân theo đúng hướng dẫn.
Ông Lê Tuấn Anh, người dân đến TP.HCM từ TX.An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết việc được xét nghiệm tại bến xe khiến ông cảm thấy an tâm hơn rất nhiều.
"Tôi đến từ Gia Lai, mà Gia Lai là vùng đang có dịch, nhưng địa bàn tôi sinh sống thì lại không có dịch. Tôi dẫn bà xã đi chữa bệnh nên phải đi. Cảm thấy đi như vậy thì cũng phiền toái bởi vì mình đi từ vùng có dịch tới. Nhưng nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của nhân viên ở bến xe thì tôi cảm thấy hài lòng và tin tưởng. Tôi cảm thấy rất là cần thiết, thứ nhất là phòng cho mình; thứ hai là tránh sự lây lan cho cộng đồng để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh" ông Tuấn Anh cho hay.
|
Việc lấy mẫu xét nghiệm các hành khách được thực hiện theo kế hoạch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhằm chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Theo đó, HCDC sẽ tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với người đi từ vùng dịch đến thành phố tại các bến xe, ga Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất.
Số lượng mẫu sẽ được lấy tại Bến xe Miền Đông, ga Sài Gòn, Bến xe quận 12 là 100 mẫu đơn một ngày còn tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ là 10% đến 20% số lượt hành khách đến sân bay từ các tỉnh, thành có nguy cơ.
Sau đó, căn cứ vào tình hình dịch tại các địa phương và TP.HCM, HCDC sẽ thông báo điều chỉnh số lượng mẫu giám sát cần lấy tại các địa điểm.
Xác định được nguồn lây của chùm ca bệnh Covid-19 trong gia đình ở Hải Dương
Ngày 18.2.2021, tin từ tổ truy vết đặc biệt tỉnh Hải Dương cho biết, bệnh nhân 2287 dương tính với COVID-19 được phát hiện thông qua giám sát sốt, ho từ cộng đồng là 1 trong 4 bệnh nhân của chùm ca bệnh trong gia đình tại thành phố Hải Dương đã được tổ truy vết đặc biệt tỉnh Hải Dương phát hiện và xác định rõ nguồn lây.
Theo đó, ngày 21.1.2021, bệnh nhân 2287 (bệnh nhân nữ, 54 tuổi, ngụ 15 Trần Sùng Dĩnh, P.Hải Tân) có tiếp xúc với bệnh nhân 1734 trong khoảng thời gian 1 giờ khi đến Hội người mù TP.Hải Dương để tẩm quất, bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm, đau lưng.
Trước đó, bệnh nhân 1734 tham dự đoàn đưa dâu của ổ dịch tại đám cưới ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Đám cưới này có công nhân của Công ty Poyun - nơi ghi nhận nhiều ca bệnh Covid-19, đến dự.
Như vậy, theo xác định của tổ truy vết đặc biệt tỉnh Hải Dương, đến nay nguồn lây của chùm ca bệnh trong một hộ gia đình đã được xác định và làm rõ. Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân 1734 được công bố, nữ bệnh nhân 2287 không khai báo y tế rồi lây bệnh cho chồng, con và giúp việc quê H.Thanh Miện. Cơ quan chức năng khẳng định, hành vi của bệnh nhân 2287 đã vi phạm quy định chống dịch nghiêm trọng.
Liên quan đến chùm ca bệnh này, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng khu dân cư nơi gia đình bệnh nhân 2287 sinh sống cùng gia đình con gái bệnh nhân; cộng đồng khu dân cư quê người giúp việc; toàn bộ cán bộ, nhân viên cơ quan nơi chồng bệnh nhân 2287 làm việc; chợ Hải Tân, người liên quan đến CLB yoga và những người bạn ở đường Ngô Quyền, TP.Hải Dương và những nơi chồng bệnh nhân 2287 đã đi qua.
Gần 5 triệu người Việt Nam sắp được tiêm vắc xin Covid-19
Ngày 17.2, ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y Tế) đã ký ban hành văn bản số 1215/QLD-KD về việc nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành để dáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Cục Quản lý dược đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19 AstraZeneca, số lượng 204.000 liều.
Dự kiến ngày 28.2, lô vắc xin đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam. Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vắc xin theo chương trình phân phối vắc xin của COVAX facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.
Theo quyết định này, vắc xin được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch, phải đáp ứng các điều kiện đi kèm trong văn bản chấp thuận phê duyệt vắc xin ngày 1.2 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Văn bản cũng nêu rõ, Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc xin nhập khẩu để đảm bảo việc sử dụng vắc xin đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, theo đúng cam kết. Đồng thời, AstraZeneca phải thực hiện đúng các quy đinh hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc và các quy định có liên quan.
Vắc xin AstraZeneca là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vắc xin do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (của Anh) nghiên cứu, phát triển. Hiện vắc xin này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các địa phương có dịch chiều ngày 15.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đã rất chủ động và quyết liệt trong vấn đề tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 của COVAX facility. Hiện cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vắc xin theo chương trình COVAX facility.
|
COVAX facility là một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc xin COVID 19. Trong cơ chế này Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả.
Nếu cuối tháng 2 này sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vắc xin theo 2 nguồn: nguồn từ chương trình COVAX facility là 4,88 triệu liều và nguồn nhập khẩu.
Sau đó vào tháng 3, Việt Nam có thể có thêm hơn 5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 khác.
Hà Nội: Nguy cơ Covid-19 là rất cao, tiếp tục nâng cao mức độ chống dịch
Chiều 18.2, UBND TP.Hà Nội đã công bố thông báo kết luận của ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp phòng chống dịch trước đó.
Theo đó, Hà Nội nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố là "rất cao" và "tiếp tục nâng cấp mức độ để khống chế mức độ lây lan của dịch".
Hà Nội xác định có 3 nguồn nguy cơ chính: từ các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh; từ người dân trở lại thủ đô làm việc sau tết Nguyên đán, người dân từ các địa phương về chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến T.Ư; và việc người dân thủ đô vẫn còn tập trung đông người, chưa tuân thủ việc đeo khẩu trang và giãn cách.
Vì vậy, chính quyền Hà Nội cho rằng, thời gian tới vẫn có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới trên địa bàn thành phố.
Do đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu toàn bộ các trường hợp về từ Hải Dương (từ 0 giờ ngày 2.2 tới nay) và các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố khác (trong thời gian 14 ngày vừa qua) lập tức thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà, thời gian tính từ khi rời ổ dịch đến khi đủ 14 ngày (nếu qua 14 ngày thì tự cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính); chủ động liên hệ với cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.
Riêng đối với những người về từ H.Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) thì giao UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định cách ly tại nhà (thời gian cách ly đủ 14 ngày kể từ khi rời ổ dịch, nếu qua 14 ngày thì tự cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính), lấy mẫu xét nghiệm; đề nghị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc cách ly y tế tại nhà đảm bảo đúng quy định.
Ngoài ra, còn nhiều thông tin đáng chú ý khác, mời quý vị theo dõi trong video Bản tin Covid-19 hôm nay 18.2 để cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh Covid-19.
tình hình Covid-19
Tin tổng hợp dịch Covid-19
Covid-19
Covid-19 18.2
bản tin Covid-19
tin tức Covid-19
Bình luận (0)