Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 26.2: Niềm hy vọng to lớn từ vắc xin Việt Nam
26/02/2021 19:30 GMT+7
Bản tin Covid-19 hôm nay 26.2 của Báo Thanh Niên tổng hợp lại các tin tức đáng chú ý về diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống dịch của các địa phương cùng nhiều thông tin liên quan khác.
Tự động phát
Chiều 26.2, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết có 5 ca mắc mới Covid-19, trong đó 4 ca ghi nhận tại Hải Dương; 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Đồng Tháp.
Thông tin về các ca mắc mới cụ thể như sau:
Về các ca bệnh trong nước: Tỉnh Hải Dương ghi nhận 4 ca bệnh, trong đó:
2 ca tại huyện Kim Thành là F1 của các bệnh nhân được ghi nhận trước đó và đã được cách ly tập trung. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.
Tại huyện Cẩm Giàng ghi nhận bệnh nhân 2423 là F1 của các BN2185, BN2216, BN2277, được cách ly tập trung từ ngày 13.2 đến ngày 22.2, theo dõi tại nhà từ ngày 22.2 đến ngày 25.2 và tiếp tục được cách ly tập trung từ ngày 25.2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 - Bệnh viện Đại học Kĩ thuật y tế Hải Dương.
Tại huyện Tứ Kỳ ghi nhận bệnh nhân 2426 là F1 của BN2415, được cách ly tập trung từ ngày 25.2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 - Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.
Về ca bệnh nhập cảnh tại tỉnh Đồng Tháp: Bệnh nhân 2424 là bệnh nhân nữ, 24 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thới Lai, thành phố cần Thơ. Bệnh nhân nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn lối mở về huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp ngày 23.2, đã được phát hiện và chuyển cách ly tập trung ngay sau khi về đến địa phương, kết quả xét nghiệm ngày 25.2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự.
Tâm sự tình nguyện viên tiêm thử vắc xin Nano Covax ngừa Covid-19 của Việt Nam
Sáng sớm 26.2, tại Trung tâm y tế H.Bến Lức (Long An), ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục khoa học – Công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM và UBND H.Bến Lức, tổ chức họp báo công bố kế hoạch thực hiện tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax chống virus SARS-CoV-2 (gây ra dịch Covid-19) trên 560 người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Những người tình nguyện tham gia có hộ khẩu thường trú tại H.Bến Lức, Long An.
560 tình nguyện viên độ tuổi từ 18 đến 65 sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin giai đoạn 2 ở Học viện Quân y Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức.
Ông Phan Văn Dũng (52 tuổi), người dân ở tỉnh Long An vui mừng khi đủ điều kiện để tiêm thử nghiệm vắc xin của Việt Nam.
"Mình nghĩ là giúp được gì thì mình giúp chứ. Nếu bao nhiêu người đều từ chối hết thì cũng đâu có được. Nhiều người tới đây nhưng mà không đủ điều kiện để tiêm. Mình cảm thấy rất sung sướng vì đủ điều kiện để được tiêm rồi"ông Dũng chia sẻ.
|
Trước đó, vắc xin Covid-19 Nano Covax tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 với 120 mũi tiêm cho 60 tình nguyện viên và đã kết thúc từ ngày 8.2.
Kết thúc giai đoạn 1, bước đầu đánh giá vắc xin Covid-19 Nano Covax ở cả 3 liều 25 mg, 50 mg và 75 mg đều có sinh miễn dịch đáp ứng tốt, an toàn, có tác dụng với SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể mới.
Một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được liều nào là tối ưu do số lượng người thử nghiệm còn ít, thời gian theo dõi còn ngắn.
Trong giai đoạn 2 vẫn sẽ tiếp tục 3 nhóm liều (25 mg, 50 mg và 75 mg). Mỗi nhóm tiêm khoảng 180 người với các độ tuổi khác nhau để có sự đánh giá dài hơn, từ đó có sự lựa chọn liều cho người dân một cách hiệu quả. 28 ngày sau mũi 1, các tình nguyện viện được tiêm mũi 2. Trong vòng 7 - 10 ngày sau mũi 2, các tình nguyện viên được lấy mẫu máu xét nghiệm, đánh giá tính sinh miễn dịch.
|
Cũng trong ngày 26.2.2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19. Theo nội dung nghị quyết, các đối tượng ưu tiên và miễn phí tiêm vắc xin Covid-19 trước tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch, gồm: những người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); quân đội, công an.
8 nhóm người được tiêm miễn phí vắc xin Covid-19 tại Việt Nam
Ngày 26.2, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 21 “Về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19”. Nghị quyết 21 nêu rõ địa bàn và các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin Covid-19.
Về đối tượng ưu tiên và miễn phí, trước tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch, gồm: những người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); quân đội, công an.
Các nhóm ưu tiên khác, gồm:
Nhân viên, cán bộ ngoại giao được cử đi công tác nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
Giáo viên, những người làm tại cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Người mắc bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi.
Người sinh sống tại các vùng có dịch.
Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ theo yêu cầu phòng chống dịch.
Địa bàn ưu tiên tiêm trước tiên là cho các đối tượng nêu trên, tại các tỉnh thành phố đang có dịch; trong tỉnh, thành phố, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.
Theo Nghị quyết 21, Bộ Y tế được giao chủ trì phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021.
Ổ dịch Đông Triều được 'giải tỏa' hoàn toàn
Ngày 26.2, thông tin từ UBND TX.Đông Triều cho biết, từ 9 giờ cùng ngày, địa phương này đã dỡ bỏ phong tỏa những khu vực cuối cùng, gồm: các thôn Đìa Sen, Sơn Lộc, Tân Tiến, Đìa Mối (xã An Sinh); các thôn Tân Thành, Phúc Thị, Đồng Ý (xã Việt Dân) và toàn bộ các xã Bình Dương, Nguyễn Huệ, Thủy An.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TX.Đông Triều, người dân vẫn phải tuân thủ biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới. Cụ thể, chính quyền các xã, phường vẫn tiếp tục yêu cầu tập trung thiết lập các điểm phong tỏa cục bộ hộ gia đình có các trường hợp F1 cách ly tại nhà hoặc hết thời gian cách ly tập trung theo quy định, các F0 khỏi bệnh về cách ly tiếp ở địa phương.
Liên quan đến công tác, phòng chống dịch Covid-19 tại Quảng Ninh, tính từ 27.1 - 25.2, trên địa bàn tỉnh có 61 ca bệnh. Trong đó, có 30 bệnh nhân đang điều trị tại Quảng Ninh; 2 bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội); 30 trường hợp đã khỏi bệnh, đủ tiêu chuẩn ra viện.
Kiểm điểm chủ tịch phường để chùa Viên Giác tập trung đông người
Tại buổi gặp gỡ 312 chủ tịch phường, xã, thị trấn sáng 26.2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Q.Tân Bình kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND P.1 do để xảy ra vụ việc tập trung đông người tại chùa Viên Giác (địa chỉ 193 Bùi Thị Xuân, P.1, Q.Tân Bình) tối 19.2.
Ông Phong cho rằng việc tụ tập cả nghìn người trong dịch Covid-19 tại chùa Viên Giác là không thể chấp nhận, đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND Q.Tân Bình kiểm điểm Chủ tịch UBND P.1 và báo cáo kết quả xử lý.
Trước đó, tối 19.2, rất đông Phật tử đến chùa Viên Giác dự lễ Kỳ An Hội trong bối cảnh TP.HCM đang có “lệnh” hạn chế các hoạt động tôn giáo, nghi lễ trên 20 người. Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định không giải quyết ngoại lệ, châm chước cho bất cứ trường hợp nào nếu có dấu hiệu vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19, nhất là việc tập trung đông người.
Trong sáng 20.2, UBND Q.Tân Bình đã đề nghị chùa Viên Giác tạm thời dừng hoạt động để khử khuẩn, cơ quan y tế sẽ đánh giá và thông báo việc hoạt động trở lại vào thời điểm phù hợp.
Bình luận (0)