Tin tức Covid-19 TP.HCM: 11 dấu hiệu bất thường ở các bệnh nhi dưới 5 tuổi cần lưu ý

15/03/2022 09:24 GMT+7

TP.HCM: Phụ huynh cần nhận biết 11 dấu hiệu bất thường ở bệnh nhi Covid-19 dưới 5 tuổi để thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 15.3, TP.HCM có 33.942 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19. Hiện số trẻ mắc mỗi ngày gia tăng và có 407 bệnh nhi đang điều trị tại các bệnh viện.

Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận trẻ em mắc Covid-19 nhập viện, đặc biệt là 3 bệnh viện nhi chuẩn bị mỗi bệnh viện 300 giường, trong đó có 50 giường hồi sức dành cho trẻ em

Trong quyết định về việc ban hành hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 ngày 14.3, Bộ Y tế chỉ đạo theo dõi sức khỏe của 3 nhóm tuổi: dưới 5 tuổi, từ 5 đến 16 tuổi và trên 16 tuổi nhằm phát hiện những bất thường để xử trí kịp thời.

Nhận biết những dấu hiệu bất thường ở trẻ em mắc Covid-19 để xử trí kịp thời

NGỌC DUY

11 dấu hiệu bất thường ở bệnh nhi Covid-19 dưới 5 tuổi

Hướng dẫn nêu rõ, khi trẻ em mắc Covid-19, cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Nhận biết 11 dấu hiệu bất thường ở trẻ em mắc Covid-19 dưới 5 tuổi. Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc Covid-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

  • Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.
  • Sốt cao liên tục trên 39°C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt, chườm/lau người bằng nước ấm hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.
  • Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ dưới 2 tháng khi thở hơn hoặc bằng 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng khi thở hơn hoặc bằng 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi khi thở hơn hoặc bằng 40 lần/phút.
  • Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...
  • SpO2 nhỏ hơn 96% (nếu có máy đo SpO2)
  • Tím tái.
  • Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít...
  • Nôn mọi thứ.
  • Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
  • Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
  • Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, hiện TP.HCM có 107.295 ca mắc Covid-19 đang cách ly, chăm sóc và điều trị. Trong đó có 5.666 ca đang điều trị bệnh viện tầng 2, tầng 3; 716 ca đang cách ly tập trung và 100.913 ca đang cách ly tại nhà. Hiện mỗi ngày có hàng trăm đến hàng ngàn trẻ em đi khám, tầm soát Covid-19.

12 dấu hiệu bất thường của trẻ từ 5 đến 16 tuổi

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ theo dõi các dấu hiệu của trẻ từ 5 đến 16 tuổi: tinh thần, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.

Đặc biệt, cần nhận biết 12 dấu hiệu bất thường, khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà: Trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc Covid-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

  • Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi hơn hoặc bằng 30 lần/phút, trẻ từ 12 hơn hoặc bằng 20 lần/phút.
  • Thở bất thường: Co kéo hõm ức, liên sườn ...
  • SpO2 dưới 96% (nếu có máy đo SpO2).
  • Cảm giác khó thở.
  • Họ thành cơn không dứt.
  • Đau tức ngực.
  • Không ăn/uống được.
  • Nôn mọi thứ.
  • Tiêu chảy.
  • Trẻ mệt, không chịu chơi.
  • Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ.
  • Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mắc Covid-19 mà thấy cần khám, chữa bệnh.
Chưa thể khẳng định TP.HCM đã đạt miễn dịch Covid-19 cộng đồng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.