Tin tức Covid-19: Số ca nhập viện là trẻ em và phụ nữ mang thai tại TP.HCM đang gia tăng |
Ít nhất TP.HCM còn 1 - 2 làn sóng dịch
Theo các chuyên gia, Covid-19 chưa thể trở thành bệnh đặc hữu (bệnh lưu hành như một số dịch bệnh khác) và ngành y tế, người dân đang còn phải chống đỡ trong nhiều tháng tới. Số ca mắc Covid-19 gia tăng cao mỗi ngày, gánh nặng y tế và xã hội vẫn còn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, TP.HCM đang trong làn sóng dịch thật sự thứ 2, lần này do chủng Omicron và dự đoán ít nhất TP.HCM có 1 - 2 làn sóng dịch nữa, bởi hiện nay số ca nhiễm báo cáo chưa phải là số thật sự, vì nhiều người nhiễm nhưng ít người khai báo nên dự báo khó chính xác.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, số ca nhiễm Covid-19 thật hay giả thì ít nhất cũng có 1 làn sóng dịch mới nữa trong vòng 6 tháng tới.
Hậu Covid-19 ở trẻ em có thể do độc tố của vi rút |
“Nguyên tắc là sẽ có làn sóng dịch tiếp theo, trừ khi hầu hết người dân đã có miễn dịch và miễn dịch mạnh. Còn hiện nay, miễn dịch là chưa bền vững nên dịch sẽ thành chu kỳ, do đó để có miễn dịch bền vững thì phải “đấu” với dịch bệnh lâu dài”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM (nay là HCDC) thì hiện nay là đang đại dịch, mọi chuyện không đơn giản và đỉnh dịch Omicron hiện có thể kéo dài đến tháng 4.2022. Làn sóng dịch sẽ tự lên và tự xuống theo diễn tiến tự nhiên. Số ca mắc cao, dù tỷ lệ tử vong thấp (nhờ vắc xin và thuốc) nhưng gánh nặng cho y tế, gánh nặng cho gia đình vẫn còn.
Nhiều người đi khai báo F0 tại trạm y tế vào ngày 7.3 |
DUY TÍNH |
Chưa thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, cần kiểm soát dịch cho tốt
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, một số quốc gia như nước Anh, họ không bắt buộc F0 tự cách ly vì họ cho rằng không còn tạo làn sóng dịch nào nữa, nhưng khuyến cáo đeo khẩu trang, họ tin những người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và họ kiểm soát tốt hơn.
Còn nhiều quốc gia khác thì chưa áp dụng điều này, ngay cả ở Mỹ, các nhà khoa học cũng nói còn xa để xem Covid-19 là bệnh cúm, bệnh thông thường vì Covid-19 gây tử vong gấp 4 - 5 lần cúm. Việt Nam không thể nào bằng Mỹ về nguồn lực y tế nên chưa thể xem nhiễm Covid-19 là bệnh đặc hữu. Nguồn lực y tế của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cũng chưa đủ mạnh để đảm bảo dịch sẽ không có tử vong.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng, có thể 5 - 6 tháng tới, từng bước Việt Nam nới lỏng dần nhưng xem là bệnh thông thường và bung hết thì không được. "Nhà nước phải bảo lưu quyền có khả năng quy định về phòng chống dịch và buộc người dân phải theo. Như Ấn Độ, họ nói tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu thì vui, nhưng họ cũng đặt câu hỏi là làm như vậy thì có lợi gì trước mắt không, có gì thay đổi không, có khác gì về kinh tế không ? Cũng y như vậy thôi. Do đó, nếu có mục đích rõ ràng thì tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, còn không thì khoan thực hiện chờ đến khi thực sự là bệnh đặc hữu hãy tuyên bố", PGS-TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
“Để tiến tới xem là bệnh đặc hữu, trong chiến dịch phòng chống dịch của thế giới, đặc biệt là Mỹ họ đặt ra các điều kiện, đầu tiên là tiêm vắc xin, tiếp đến là điều trị, giám sát về dịch tễ, cung cấp đủ test xét nghiệm cho người dân tự test và tự cách ly, giám sát về các biến chủng mới…”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói về các giải pháp cần làm.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, hiện nay chỉ "đếm" ca nhiễm Covid-19 trên cái biết, còn ca chưa biết thì rất lớn. Phải làm sao trở lại cuộc sống bình thường như trước khi có dịch thì mới xem nó là đặc hữu. Do đó, cái cần là lo kiểm soát, phòng dịch hữu hiệu chứ chưa bàn đến chuyện xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
“Như ở Anh là cho F0, F1 đi làm, họ đảm bảo hệ thống y tế không quá tải, bệnh thì chữa bình thường. Còn Việt Nam có điều kiện như Anh chưa mà nói đến cho F0, F1 đi làm, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu”, bác sĩ Thọ nói.
TP.HCM đã tiêm 20,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19
Tin tức Covid-19 TP.HCM, tính đến sáng 7.3, TP.HCM đã tiêm 20,2 triệu liều vắc xin Covid-19. Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 là đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12 - 17 tuổi; Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; Tổ chức tiêm tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
Bình luận (0)