Qua tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (30.4) bạn đọc biết được thêm một nguyên nhân khiến phụ huynh không mặn mà cho con học nghề sau THCS; Lãnh đạo các trường học đề xuất biên chế nhân viên y tế và giáo viên tâm lý trong trường học.
Học sinh tốt nghiệp THCS học các môn văn hóa tại một trường cao đẳng |
h.t |
Xung quanh việc dạy các môn văn hóa cho học sinh theo học nghề sau THCS, lâu nay vẫn luôn có những vấn đề. Mới đây các trường nghề bức xúc khi Bộ GD-ĐT xin ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ về việc các trường nghề phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Công văn này đề xuất đối với những khóa tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được tiếp tục dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Từ khóa 2022-2023 phải phối hợp với trung tâm GDTX, hoặc trung tâm GDNN-GDTX để dạy.
Các trường học đang thiếu giáo viên tâm lý được đào tạo chuyên nghiệp |
đào ngọc thạch |
Công văn này nêu lý do luật Giáo dục 2019 quy định chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải thực hiện với thời lượng đủ 3 năm học, được linh hoạt tùy điều kiện, trong khi luật GDNN quy định thời gian đào tạo theo niên chế trình độ trung cấp với người tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1 đến 2 năm học. Do đó, học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp trong thời gian 1-2 năm không thể vừa hoàn thành chương trình GDNN vừa hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT.
Vì sao nội dung công văn này gây bức xúc cho các trường nghề? Học sinh chọn nghề sau THCS có những hướng học văn hóa nào để có thể tiếp tục lên cao?... Tất cả những vấn đề này sẽ được chuyển tải trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai.
Cũng trong tin tức giáo dục đặc biệt, bạn đọc sẽ hiểu lý do vì sao cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường đề xuất có biên chế nhân viên y tế và giáo viên tâm lý trong trường học.
Bình luận (0)