Tin vui cho những người mắc bệnh tiểu đường

12/08/2023 00:07 GMT+7

Nghiên cứu mới, được trình bày tại hội nghị Tuần lễ Bệnh tiêu hóa ở Chicago (Mỹ) năm nay, đã công bố một quy trình mới kéo dài 1 giờ có thể chấm dứt việc tiêm insulin hằng ngày cho hàng trăm triệu người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Mặc dù tiêm insulin có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh, nhưng cách này có thể gây khó chịu, phải thực hiện thường xuyên và phải được tính toán cẩn thận, theo tờ Daily Mail.

Giờ đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra cách chỉ 1 lần sốc điện niêm mạc ruột non bằng các xung điện nhẹ sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả.

Tin vui cho những người mắc bệnh tiểu đường - Ảnh 1.

Bệnh tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao, do chế độ ăn uống kém, ít vận động và béo phì

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Trong một thử nghiệm lâm sàng gần đây, 86% bệnh nhân loại 2 được điều trị bằng cách này đã có thể ngừng sử dụng insulin hoàn toàn, mà chỉ cần ăn uống theo chế độ và uống thuốc thông thường.

Bệnh tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao, do chế độ ăn uống kém, ít vận động và béo phì. Theo thời gian, tình trạng này nếu không kiểm soát được sẽ làm tổn thương các cơ quan quan trọng và làm hẹp các mạch máu, làm giảm lưu thông máu.

Các loại thuốc như metformin, cùng với thay đổi lối sống, có thể giúp insulin hoạt động tốt hơn. Nhưng khoảng 1/4 bệnh nhân cũng phải tiêm insulin hằng ngày.

Quy trình mới, ReCET (tái tạo tế bào thông qua liệu pháp xung điện), có thể giúp bệnh nhân tiểu đường đang dùng insulin ngưng dùng.

Các xung điện được truyền đến niêm mạc tá tràng thông qua một ống nội soi đi xuống cổ họng.

Tá tràng là nơi hầu hết các chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thụ. Lượng đường trong máu cao gây ra những thay đổi trong các tế bào lót phần này của ruột, gây nên tình trạng kháng insulin.

Tin vui cho những người mắc bệnh tiểu đường - Ảnh 2.

86% bệnh nhân loại 2 được điều trị bằng cách này đã có thể ngừng sử dụng insulin hoàn toàn

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Các xung điện tạo ra những lỗ nhỏ trong các tế bào tá tràng khiến chúng chết đi để niêm mạc ruột thay thế bằng các tế bào mới khỏe mạnh đáp ứng đúng cách với insulin, cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.

Sau khi trải qua thủ thuật mới này, tất cả các bệnh nhân trong cuộc thử nghiệm đều được áp dụng chế độ ăn lỏng kéo dài một tuần để chữa lành đường ruột.

Sau đó, họ bắt đầu dùng thuốc trị tiểu đường Semaglutide (Ozempic), giúp tuyến tụy giải phóng đúng lượng insulin.

Thuốc Semaglutide đôi khi có khả năng giúp bệnh nhân tiểu đường ngừng dùng insulin - nhưng chỉ được 20% trường hợp.

Tuy nhiên, sau thủ thuật mới này, 86% người sử dụng thuốc Semaglutide đã kiểm soát tốt lượng đường trong máu mà không cần insulin và không có tác dụng phụ, theo Daily Mail.

Các tác giả nghiên cứu từ Trung tâm Y tế, Đại học Amsterdam(Hà Lan) cho biết họ đang thực hiện các nghiên cứu lớn hơn, so sánh phương pháp điều trị với giả dược.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.