Sáng 4.11, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội.
Trước đó, báo cáo một số vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn gửi Quốc hội, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nội dung thông tin trên các trang mạng, thông tin điện tử hiện nay được cung cấp bởi 2 nguồn: các tổ chức cá nhân trong nước có nguồn gốc, được cấp phép; các trang tin không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có báo cáo chất các vấn đề chất vấn gửi Quốc hội |
gia hân |
Tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các mạng xã hội này luôn tránh né việc xử lý, ngăn chặn chúng.
Bên cạnh đó, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác”, tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật.
Cụ thể, trong 2 năm qua, các trang Facebook, YouTube, TikTok lan truyền rất nhiều tin giả liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; gần đây rộ lên các tin giả về vụ kit test Việt Á, vụ án lừa đảo thao túng giá đất, giá cổ phiếu của các tập đoàn Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát…
Bộ TT-TT cho biết đã liên tục rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật…
Về giải pháp khắc phục, Bộ TT-TT đã tham mưu sửa đổi các nghị định liên quan, bổ sung các quy định như định danh tài khoản người dùng; chỉ cho phép các tài khoản đã định danh mới được bình luận, viết bài trên mạng xã hội; các mạng xã hội phải gỡ bỏ thông tin vi phạm, gỡ bỏ tin giả trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu... Chính phủ đang xem xét dự thảo Nghị định và dự kiến sẽ ban hành trong năm 2022.
Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, Bộ TT-TT và các sở TT-TT đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6,12 tỉ đồng.
Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (YouTube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm. Tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93%.
Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê... Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức. YouTube đã ngăn chặn 6 kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip).
“Khó khăn hiện nay trong việc xử lý tin giả là việc xác minh tin đồn là tin giả hay tin có căn cứ. Việc xác minh, xử lý càng chậm là cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang”, Bộ TT-TT nêu.
Bình luận (0)