Tình bạn 55 năm
Những ngày cuối năm 2023, sự kiện GS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng VinFuture là một tin vui với cộng đồng khoa học Việt Nam. GS Võ Tòng Xuân được nhận giải đặc biệt dành cho nhà khoa học các nước đang phát triển, cùng với GS Gurdev Singh Khush, một nhà nông học và di truyền học nổi tiếng người Mỹ gốc Ấn Độ.
Sau lễ trao giải, công chúng Việt Nam lần đầu tiên được biết, hóa ra mối lương duyên giữa GS Võ Tòng Xuân và nhà nông học xuất sắc, người góp phần "cứu đói" cho hàng triệu dân nghèo châu Á những năm 1960 - 1970, đã được bắt đầu từ cách đây hơn 50 năm trước.
GS Khush sinh năm 1935, lớn hơn GS Võ Tòng Xuân 5 tuổi. Tuy đã gần 90 tuổi, nhưng GS Gurdev Singh Khush vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát và minh mẫn, đủ sức khỏe bay sang Việt Nam không chỉ để nhận Giải thưởng VinFuture 2023 hạng mục dành cho nhà khoa học các nước phát triển mà còn dự các hoạt động trước và sau đêm trao giải. Còn GS Võ Tòng Xuân, thật kỳ diệu, vừa vượt qua cơn bão bệnh, để tươi cười hào sảng đến lễ nhận giải.
Theo GS Võ Tòng Xuân, sau khi gia nhập gia nhập IRRI (Viện Nghiên cứu lúa quốc tế) thì ông bắt đầu nghiên cứu về công nghệ trồng lúa và lai tạo lúa, GS Khush chính là người hướng dẫn ông. Nhưng khi nhớ lại những buổi đầu quen biết GS Võ Tòng Xuân, GS Khush lại giới thiệu một cách khiêm nhường: "Tôi đã hợp tác với anh Võ Tòng Xuân từ năm 1969. Lúc đó chúng tôi là bạn của nhau, đồng thời hợp tác với nhau trong việc nghiên cứu về cây lúa".
Hành trình đến với cây lúa của hai nhà bác học
Con đường dẫn hai nhà khoa học đến với việc nghiên cứu về cây lúa có sự tương đồng là đều cùng trải qua một vài khúc quanh. Sau khi nhận bằng tiến sĩ về di truyền học tại ĐH California (Davis, Mỹ) vào năm 1960, GS Khush ở lại đây nghiên cứu về di truyền học cà chua trong 7 năm. Từ năm 1967 ông mới gia nhập IRRI với tư cách là nhà nhân giống lúa, rồi làm việc ở đây suốt 35 năm cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2002.
GS Khush kể: "Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Những năm 1960 - 1970 là khoảng thời gian mà khắp nơi trên thế giới thiếu lương thực, đặc biệt là châu Á. Là một đất nước có diện tích nông nghiệp rất lớn vậy mà hồi đó Ấn Độ phải nhập khẩu 10 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm để cung cấp lương thực cho người dân. Vì vậy, câu hỏi làm gì để tạo ra giống lúa cung cấp nhiều hơn lương thực cho người dân, để họ không bị đói là động lực thôi thúc tôi trở thành nhà nghiên cứu lai tạo ra các giống lúa tốt".
Còn GS Võ Tòng Xuân thì từng ấp ủ một giấc mơ khác từ thuở thiếu thời. Hồi đó, cũng như bao học sinh Trường kỹ thuật Cao Thắng, cậu học trò Xuân ước mong được du học ở các nước Âu Mỹ, để trở thành kỹ sư cơ khí. Nhưng điểm thi của Xuân chỉ vừa đủ để được nhận học bổng du học ở ĐH Philippines (Los Banos, Philippines). Nhưng anh vẫn rất vui, vì ước nguyện của anh là học bất kỳ ngành nào gắn bó với sản xuất ra của cải phục vụ quê hương. Ở bậc cử nhân, Xuân chọn học ngành nông hóa (mía đường). Lên thạc sĩ, anh dự định tiếp tục theo đuổi ngành nông hóa nên chọn đề tài nghiên cứu tạo bột giấy từ bã mía.
Hồi đó, Viện IRRI mới thành lập (từ năm 1960, với sự hỗ trợ của Quỹ Ford, Quỹ Rockefeller và Chính phủ Philippines), đặt trụ sở trong khuôn viên ĐH Nông nghiệp Philippines, nên anh thường đến đó chơi với mấy cán bộ khuyến nông từ Việt Nam sang. Họ khuyên anh nên học về lúa, vì Việt Nam là xứ sở trồng lúa, rất cần phát triển khoa học kỹ thuật cho ngành lúa.
"Tôi có dì dượng là nông dân ở Bình Chánh (hồi ấy còn thuộc Gia Định, TP.HCM - PV). Khi còn là học sinh, mỗi dịp nghỉ hè tôi thường về thăm nhà dì dượng, chứng kiến cuộc sống cơ cực của họ thì tôi lại thầm thương xót. Lời rủ rê của mấy anh chị Việt Nam ở Viện IRRI đã làm sống lại ký ức của tôi ở nhà dì dượng, nên tôi xin sang học bên IRRI. Tôi nghĩ, quê mình là quê lúa, chỉ có học về lúa là con đường ngắn nhất để để có thể nhanh chóng trở về phục vụ quê hương. Ban đầu là học lỏm, nhưng tiến bộ quá nên họ mời tôi làm việc cùng, được trả lương rất khá. Tôi làm nghiên cứu sinh ở đó từ năm 1965 - 1971, GS Khush là người hướng dẫn tôi", GS Võ Tòng Xuân nhớ lại.
Người góp phần cứu đói hàng triệu dân nghèo châu Á
Theo GS Khush, hồi đó cả châu Á đều chỉ có một loại lúa dài ngày, cây lúa rất cao và năng suất thấp. Vì thế độ rủi ro rất cao, ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả khi thu hoạch nếu như thời tiết không thuận lợi. Chỉ cần một trận mưa lớn vào giai đoạn sắp thu hoạch là cả ruộng lúa đổ rạp, người nông dân mất trắng. Mục tiêu của ông và các đồng nghiệp ở Viện IRRI là làm sao tạo ra được các giống lúa năng suất cao, ngắn ngày.
"Trước đây cây lúa cao 1,5 m, nhưng chúng tôi đã tạo ra được những giống lúa chỉ cao 20 - 30 cm. Thời gian sinh trưởng từ hạt tới cây trước là 5 - 6 tháng, sau chỉ còn 2 tháng. Nhờ thế, thay vì trồng 1 vụ thì chúng ta trồng được 2 - 3 vụ/năm, tăng 30% năng suất, tăng sản lượng sản xuất lúa gạo toàn cầu. Nhờ thế mà nạn đói được đẩy lùi, các nước tự cung tự cấp được lương thực. Ấn Độ từ nhập 10 triệu tấn lương thực thì đã xuất khẩu được gạo", GS Khush chia sẻ.
Trong hơn 20 năm làm trưởng phòng giống cây trồng của IRRI, GS Khush đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hơn 300 giống lúa cải tiến. Các giống được phát triển tại IRRI được gọi là giống IR, được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nước châu Á. Năm 2005, người ta ước tính rằng 60% diện tích lúa trên thế giới được trồng bằng các giống lúa lai IRRI hoặc các giống lúa con của chúng. Sản lượng gạo thế giới tăng từ 257 triệu tấn năm 1966 lên 626 triệu tấn năm 2006, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của GS Khush và các nhà khoa học ở IRRI.
Năm 1996, cùng với GS Henry Beachell, GS Khush đã nhận được Giải thưởng Lương thực thế giới (một giải thưởng được xem giá trị như Giải Nobel trong lĩnh vực nông nghiệp) vì những thành tựu của ông trong việc mở rộng và cải thiện nguồn cung gạo toàn cầu trong thời kỳ dân số tăng trưởng theo cấp số nhân.
Trong số các phát minh của GS Khush, IR36 là một thành tựu nổi bật. Đây là giống lúa được lai tạo từ IR8 với 13 giống bố mẹ từ 6 quốc gia. Ưu điểm vượt trội của IR36 là khả năng kháng cao với một số loại côn trùng gây hại chính và các bệnh làm giảm năng suất lúa (tác động chủ yếu khiến giá lương thực tăng). Nhờ thế, IR36 được biết đến như một trong những giống cây lương thực được trồng rộng rãi nhất trên thế giới.
Lan tỏa
Năm 1971, rời IRRI về Việt Nam làm việc tại Viện ĐH Cần Thơ, sau này là Trường ĐH Cần Thơ, GS Xuân mang theo các giống IR8, IR5. Khi gặp côn trùng gây hại (chỉ trong 3 ngày là chúng ăn sạch cây lúa), GS Xuân lại viết thư trao đổi với GS Khush để GS Khush lại tiếp tục nghiên cứu tạo ra các giống lúa mới có khả năng kháng côn trùng. Cứ như vậy, một bên phát minh, một bên ứng dụng, bảo vệ, lan tỏa các thành quả phát minh. Câu chuyện GS Xuân thuyết phục lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ đóng cửa trường trong 2 tháng để đưa sinh viên đi nhân giống IR36 mà GS Khush gửi cho để "cứu đói" người dân vựa lúa miền Tây thì nhiều người đã được biết.
Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2023 đã vinh danh GS Gurdev Singh Khush vì đóng góp quan trọng trong việc phát minh giống lúa kháng bệnh, với GS Võ Tòng Xuân là bởi đóng góp quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng bệnh, cả hai nhà khoa học đã cùng góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Theo GS Khush, mối quan hệ hợp tác giữa ông với GS Võ Tòng Xuân là một mối quan hệ đáng tự hào. "Sự hợp tác của chúng tôi với anh Xuân đã góp phần quan trọng thúc đẩy Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới", GS Khush nói và cho biết thêm: "Với tôi, anh Xuân không chỉ là một đồng nghiệp, mà là một người bạn. Một người bạn khiêm tốn, tận tâm, và hết lòng giúp đỡ mọi người".
Cũng theo GS Gurdev Singh Khush, cả ông và GS Võ Tòng Xuân đều muốn sử dụng khoản tiền thưởng 500.000 USD đầu tư vào việc phát triển những giống lúa mới phù hợp hơn với môi trường cũng như biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hai giáo sư sẽ hỗ trợ cho đào tạo cũng như phát triển năng lực về nông nghiệp, về nghiên cứu cây lúa tại Việt Nam. Hình thức hỗ trợ có thể là thông qua việc trao học bổng cho những học sinh đã tốt nghiệp THPT và có đam mê, muốn học lên cao lĩnh vực này.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ phần nào để giúp các em vào được những trường tốt đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, từ đấy các em có thể học cao hơn (sau ĐH). Mục tiêu mà Giải thưởng VinFuture hướng đến là vì sự phát triển, vì tương lai của nhân loại. Vì thế mà chúng tôi rất muốn dùng số tiền này để phát triển tương lai của ngành khoa học lúa gạo nói chung", GS Khush nói.
Bình luận (0)