Dư luận thế giới nhận định rằng Nga đang bằng mọi cách tăng cường tiềm năng quân sự và sự ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu đó, Điện Kremlin đã rộng tay chi phí cho trang bị vũ khí và hoạt động tình báo trong khi nước này thu lợi rất nhiều từ việc bán dầu mỏ và khí đốt.
Chuyển hướng sang Đông Âu
Tháng 2 năm nay, Thủ tướng Vladimir Putin - ông nhậm chức Tổng thống từ tháng 5 - đã hứa sẽ trích 775 tỉ USD từ ngân sách quốc gia để chi cho quân sự. “Mục đích là để nước Nga cảm thấy được an toàn và các đối tác của chúng ta chăm chú lắng nghe lý lẽ của đất nước chúng ta” - nhà lãnh đạo nước Nga tuyên bố. Theo báo Gazeta Polska của Ba Lan, một mặt, Moscow tích cực tăng cường xây dựng các lực lượng vũ trang, khuyến khích đầu tư nước ngoài và thỏa thuận về việc mua các công nghệ mới; mặt khác, nước Nga đẩy mạnh các hoạt động tình báo chiến lược có tác dụng bổ sung cho nhau.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Wall Street Journal cách đây không lâu, cựu giám đốc Cơ quan Phản gián Quốc gia Ba Lan Michelle Van Cleave nhấn mạnh rằng hoạt động tình báo của Điện Kremlin đã trở lại mức độ thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây. Theo ông, hoạt động tình báo được định nghĩa là tất cả mọi hành động bí mật không sử dụng bạo lực vì lợi ích của một quốc gia nào đó.
Một sĩ quan tình báo cấp cao của Mỹ khẳng định Moscow tập trung phần nhiều năng lực hoạt động tình báo của mình vào khu vực các nước thuộc Liên Xô trước đây. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các hoạt động tình báo của Moscow trước đây chủ yếu ở phương Tây nay đã được chuyển hướng một cách đáng kể sang các nước thuộc Liên Xô trước đây và các nước Đông Âu. Căn cứ vào mức độ của các hoạt động này, các quốc gia nằm trong đích nhắm của Moscow theo thứ tự sẽ là Estonia, Ukraine, Ba Lan và tất cả các nước còn lại.
Điện Kremlin thực hiện hoạt động tình báo ở các nước này với những mục đích khác nhau. Về triển vọng lâu dài, đó là khôi phục tình trạng chư hầu phụ thuộc như trước đây. Còn về mục tiêu ngắn hạn, đó là ngăn ngừa việc hình thành một khối gồm nhiều quốc gia có thể thiết lập quan hệ đối tác độc lập với Mỹ chống lại Nga. Để đạt được các mục đích này, Moscow sử dụng mọi công cụ có thể, đó là các vũ khí về kinh tế, tuyên truyền và tâm lý. Tất cả đều được phản ánh qua các hoạt động tình báo.
Mỹ là mục tiêu chính
Ở lĩnh vực đặc biệt này, các điệp viên Nga đã tỏ ra vượt trội các đối thủ cạnh tranh của mình. Một trong những đặc vụ CIA có kinh nghiệm nhất, Jack Dziak, nhận xét rằng nước Nga là “vương quốc của phản gián”. Theo các chuyên gia, chỉ nước Mỹ mới có thể ngăn chặn được người Nga vì Washington có những phương tiện và chuyên gia cần thiết cho việc chống lại các hoạt động tình báo một cách hữu hiệu.
Ngoài ra, chỉ Washington mới có khả năng chuyển từ phòng thủ sang tấn công. Thế nhưng, Nhà Trắng hầu như không tỏ ra nỗ lực chống lại Điện Kremlin trong lĩnh vực này. Người dân Mỹ không hề nhận được thông tin gì về mối đe dọa từ nước Nga thời hậu Liên Xô nên chẳng hề đòi hỏi gì ở nhà chức trách về vấn đề này.
Cách đây không lâu, một số thượng nghị sĩ Mỹ thậm chí đã kêu gọi giải tán CIA khi nhận định các bước đi của tổ chức này trong lĩnh vực phản gián thời hậu Xô Viết là cực kỳ ngờ nghệch. Thêm vào đó, các đề tài liên quan đến mối đe dọa từ phía cơ quan tình báo nước ngoài của Nga hiếm khi xuất hiện trên báo chí Mỹ. Tất cả những sự kiện đó dẫn đến thực tế người dân Mỹ không quan tâm đến các điệp viên Nga.
Ngày nay, các điệp viên Nga ở Mỹ chủ yếu quan tâm đến việc thu thập thông tin tình báo các bí mật về kinh tế và thương mại. Họ tập trung vào khu vực tư nhân, bởi vì ngay cả các công ty tư nhân cũng thực hiện các hợp đồng trong lĩnh vực quân sự. Điệp viên Nga và các gián điệp làm việc cho Nga tập trung công sức vào các công nghệ hiện đại của Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Joseph R.Biden Jr. có lần đã phát biểu rằng Nga không hề gây bất cứ mối đe dọa nào đối với Mỹ. Thế nhưng, gần đây, báo The Washington Times đăng một bài báo với tựa đề “Hoạt động tình báo của Nga vượt trội hơn bao giờ hết”. Theo đó, vào thời điểm hiện tại, có nhiều gián điệp Nga hoạt động ở Mỹ hơn cả số điệp viên KGB của Liên Xô trước đây và gây thiệt hại không nhỏ cho Mỹ.
Tác giả bài báo trên khẳng định: “Khi hoạt động phản gián của Mỹ tiếp tục sa sút, các hoạt động tình báo của Nga trên toàn cầu dưới thời nhà lãnh đạo Vladimir Putin vẫn xem Mỹ là mục tiêu chính. Người Mỹ đang thua trong cuộc chiến tranh lạnh trong khi nhiều quan chức trong chính quyền Tổng thống Barack Obama thậm chí còn không biết cuộc chiến này đang tồn tại”.
Nhiều gián điệp Nga ở Mỹ Thập niên 1980, người Mỹ phát hiện 9 trường hợp gián điệp Nga nổi cộm. Sang thập niên 1990, thêm 7 vụ điệp viên Nga ở Mỹ bị lộ. Đáng chú ý là Robert Hanssen, đặc vụ FBI, bị bắt năm 2001. Trong 22 năm hoạt động bí mật, tay gián điệp làm việc cho Nga này đã tiết lộ một số bí mật quốc gia nhạy cảm nhất của Mỹ đáng giá hàng tỉ USD và sinh mạng của nhiều đặc vụ. Sau đó, mạng lưới gián điệp Nga lớn nhất thời hòa bình với 10 điệp viên bị bắt năm 2010 nhưng chẳng thu hút được sự chú ý lâu dài của báo chí Mỹ… |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)