'Tình ca tiếng nước ta', cách tiếp cận tiếng Việt 'lạ' của nhà văn Dương Thành Truyền

09/06/2024 21:33 GMT+7

Với 'Tình ca tiếng nước ta', độc giả có thể thấy nhà văn Dương Thành Truyền chọn cách đắm mình vào thứ tiếng Việt tràn ngập sự sống ngoài vỉa hè, trên mạng, trong… quán nhậu, báo chí. Tác giả quan sát và ghi chép lại những phát hiện về cách dùng và "chơi" với tiếng Việt với tâm thế cởi mở, đặt ngôn ngữ trong sự phát triển của cuộc sống và giao lưu văn hóa đa chiều.

Đọc tác phẩm mới của nhà báo - nhà văn Dương Thành Truyền, có thể thấy nhiều điều thú vị của tiếng Việt được ông viết bằng tất cả tình yêu và sự trải nghiệm của mình, và cũng chính vì thế mà ông đã lựa chọn đặt tên cuốn sách là Tình ca tiếng nước ta. 

Nói về tác phẩm mới, nhà văn chia sẻ: "Cứ khi nào bắt được, gặp được, chạm được một lối ăn nói, một kiểu chơi chữ, một phương thức diễn đạt độc đáo, bất ngờ, thú vị, ấn tượng… thì vui, thì mừng, có khi sảng khoái, có khi sung sướng và xúc động nữa, hệt như những khoảnh khắc mà người ta thường gọi là tình yêu!".

'Tình ca tiếng nước ta', cách tiếp cận tiếng Việt 'lạ' của nhà văn Dương Thành Truyền- Ảnh 1.

Sách trình bày đẹp với những minh họa nhẹ nhàng

'Tình ca tiếng nước ta', cách tiếp cận tiếng Việt 'lạ' của nhà văn Dương Thành Truyền- Ảnh 2.

Nhà báo - nhà văn Dương Thành Truyền phát hiện ra nhiều điều thú vị của tiếng Việt được ông viết bằng tất cả tình yêu và sự trải nghiệm của mình

'Tình ca tiếng nước ta', cách tiếp cận tiếng Việt 'lạ' của nhà văn Dương Thành Truyền- Ảnh 3.

Bìa sách Tình ca tiếng nước ta của nhà văn Dương Thành Truyền do NXB Trẻ ấn hành

NXB

Và tình yêu với tiếng Việt mãnh liệt đã giúp ông dành nhiều thời gian về hưu rảnh rỗi để nghiên cứu. Việc gặp gỡ hẹn hò với bạn bè được ông hạn chế đến mức thấp nhất để kịp cụ thể hóa tình yêu tiếng Việt thành hơn 400 trang sách, một độ dày "thách thức" nhịp sống nhanh hiện nay. Nhưng vì những ví dụ trong sách đưa ra quá phong phú, từ cổ chí kim, từ bình dân đến học thuật, nên lôi cuốn và thú vị. 

Tiếng Việt đang phát triển rất sống động qua nhiều hình thức

Ở phần Riêng một góc trời, dựa vào đặc điểm từ ngữ của tiếng Việt, tác giả giới thiệu và phân tích những kiểu chơi chữ mà chỉ có tiếng Việt mới có thể vận dụng được. Ông cho rằng, tiếng Việt trước hết là một ngôn ngữ đơn lập, mỗi tiếng là một từ rời không biến đổi hình thái trong nói năng, quan hệ ngữ pháp giữa các tiếng được thể hiện qua trật tự của chúng. Đổi chỗ hai tiếng là tạo ra một từ mới, một câu mới. 

Mặt khác tiếng Việt có thanh điệu. Mỗi tiếng là một khối có âm đầu, có vần, có thanh điệu. Bên cạnh những tiếng nôm thuần túy Việt Nam, còn có những tiếng gốc Hán. Nhờ vậy "có thể nói và viết như thơ như nhạc như họa, vừa có nhịp vừa có vần vừa có hình ảnh; có thể làm nên một tác phẩm văn chương chỉ với ngắn gọn mấy chục âm tiết, mà nội dung thì hay đẹp mà câu từ lại độc lạ - câu đối; có thể biến hóa với lục bát - từ thơ trữ tình, thơ tự sự cho đến 'thơ ứng dụng': để ghi nhớ những nội dung cần ghi nhớ, để có thể dạy và học cổ văn, cổ ngữ, sinh ngữ…".

'Tình ca tiếng nước ta', cách tiếp cận tiếng Việt 'lạ' của nhà văn Dương Thành Truyền- Ảnh 4.

Không chỉ đam mê viết báo, viết văn, tác giả Dương Thành Truyền còn tiếp tục "khởi nghiệp" với nghề mới là nghiên cứu tiếng Việt

NVCC

Tác giả còn bàn về Can-Chi, và cách lý giải trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam; cách đố chữ vận dụng chữ Hán, chữ Nôm, câu đối, thơ xưa, đọc thuận đọc nghịch (thuận nghịch độc, hay còn gọi là hồi văn). Có những bài thơ có thể đọc được đến sáu cách, tám cách… và hơn thế.

Chơi chữ mà phối hợp cả chữ Việt lần chữ tượng hình gốc Hán, là sự độc đáo chỉ có trong tiếng Việt. Ví như bài ca dao về dáng đi, tướng ngồi:

Chồng em rỗ sứt rỗ sì

Chân đi chữ bát mắt thì ngưỡng thiên.

Trai ngồi chữ giápcó tài

Gái ngồi chữ giáp đi hai độ đò.

Ở phần Biên bản từ cuộc sống lại là lát cắt tươi mới, sống động của ngôn ngữ thời nay, mà một phần trong số đó có khi chỉ vài năm sau sẽ hoàn toàn xa lạ với thế hệ trẻ, nhất là những cách chơi chữ "bắt trend" trên các mạng xã hội. Qua lát cắt đó, người đọc hình dung được rõ ràng tiếng Việt đang phát triển rất sống động qua nhiều hình thức; và với những nhà nghiên cứu sau này, thì đây sẽ cung cấp nhiều ví dụ về cách chơi chữ một thời, trong bối cảnh xã hội cụ thể của Việt Nam.

Những ví dụ trong phần này nhắc đến lối nói kết hợp Anh - Việt, Hán - Việt, tận dụng đồng âm của giới trẻ, như tựa bài hát See tình, những tựa đề báo Tự teen sải bước vào đời, slogan của trung tâm du học "You học e-learning", cool ngầu, đỉnh kout

Rồi mâm cúng thời đại dịch, thay vì cầu-dừa-đủ-xoài, thì dân ta mượn chữ, bày mãng cầu, khổ qua, con vịt và… chai bia Corona, có nghĩa là … cầu qua dịch Corona.

'Tình ca tiếng nước ta', cách tiếp cận tiếng Việt 'lạ' của nhà văn Dương Thành Truyền- Ảnh 5.

GS.TS Nguyễn Đức Dân nhận xét về Tình ca tiếng nước ta của nhà báo - nhà văn Dương Thành Truyền: "Trước mắt các bạn là một "Kính vạn hoa" lấp lánh huyền ảo kỳ thú về tiếng Việt, là một bản tình ca có hai chương về tiếng nước ta"

NXB

GS.TS Nguyễn Đức Dân dành nhiều lời "có cánh" cho Tình ca tiếng nước ta của nhà báo - nhà văn Dương Thành Truyền: "Trước mắt các bạn là một "Kính vạn hoa" lấp lánh huyền ảo kỳ thú về tiếng Việt, là một bản tình ca có hai chương về tiếng nước ta. Dựa trên những đặc điểm cơ bản của tiếng Việt, chương thứ nhất trình bày những sưu tầm, phát hiện về những kiểu chơi chữ mà người Việt đã tạo ra trong những cuộc vui chữ nghĩa đáp ứng nhu cầu trí tuệ trong đời sống tinh thần của mình. Bộ sưu tập công phu đến bất ngờ, có đọc kỹ mới thấy tài năng câu chữ uyên bác của ông cha ta".

"Riêng một góc trời" của người Việt

"Người Việt thích chơi chữ, hay chơi chữ và chơi chữ rất tài tình cũng nhờ tiếng Việt trước hết là một ngôn ngữ đơn lập, mỗi tiếng là một từ rời không biến đổi hình thái trong nói năng, quan hệ ngữ pháp giữa các tiếng được thể hiện qua trật tự của chúng. 

Đổi chỗ hai tiếng là tạo ra một từ mới, một câu mới. Mỗi tiếng là một khối có âm đầu, có vần, có thanh điệu. Bên cạnh những tiếng nôm thuần túy Việt Nam, còn có những tiếng gốc Hán. Điều này làm tiếng Việt thêm phong phú nhưng cũng tạo ra nhiều hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa giữa tiếng nôm và tiếng Hán Việt, dẫn đến đủ kiểu chơi chữ, nói lái "riêng một góc trời" của người Việt. 

Người Việt hay cười, nhất là với những hiện tượng chơi chữ nói lái gây ngược nghĩa, đố chữ nói vậy mà không phải vậy…. Đấy là văn hóa Việt Nam".

Lời tựa của GS.TS Nguyễn Đức Dân


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.