Tình cha, tình mẹ trong buổi tiêm vắc xin Covid-19 cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

31/10/2021 14:41 GMT+7

Sáng nay 31.10, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không may mắn khi có bệnh hoặc khuyết tật bẩm sinh ở TP.HCM được cha mẹ, cô giáo dẫn tới Trung tâm Y tế Q.3. Đội ngũ y bác sĩ ở điểm tiêm đã bên cạnh chia sẻ, thuyết phục để các em có thể tiêm được vắc xin ngừa Covid-19 .

Sáng nay 31.10, nhiều trẻ khuyết tật được phụ huynh, cô giáo… dẫn đi tiêm chủng

T.K

Theo ghi nhận của Thanh Niên, khoảng 9 giờ sáng, bên trong Trung tâm Y tế Q.3, việc tiêm chủng cho trẻ em diễn ra thuận lợi. Buổi tiêm đặc biệt và cũng "tốn nhiều công sức', tình cảm sự lo lắng của cha mẹ khi những đứa trẻ là các bé đặc biệt, thiếu may mắn khi bị khuyết tật, hoặc chậm phát triển…

Vừa mừng vừa lo đưa con đến bệnh viện tiêm vắc xin Covid-19

Điểm tiêm được chia thành nhiều khu vực, gồm sảnh chờ trước và sau tiêm, bàn tiếp nhận thông tin, đo huyết áp, khám sàng lọc, tiêm chủng và bàn trả phiếu xác nhận đã tiêm mũi 1.

Từ ngày 28-10, Trung tâm Y tế Q.3 thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi là học sinh các trường tiểu học, trung học trên địa bàn TP. Đến nay, chưa có trường hợp nào gặp phản ứng nặng

T.K

- Tiêm, đi học, muốn đi học.

- Châu muốn đi học thì phải tiêm. Không tiêm thì không được đến trường.

- Đi học, đi học.

- Nhìn qua đây. Ngồi yên cho cô tiêm.

- Không, không tiêm.

Đoạn hội thoại ngắn của bé Vũ Hoàng Bảo Châu (12 tuổi, ngụ Q.7) trước khi được tiêm chủng. “Sức của bạn rất mạnh nên không ai giữ được. Bạn thích đến trường gặp thầy cô, bạn bè, được chơi thể thao. Mặc dù ý thức được việc phải tiêm thì mới được đi học nhưng khi thấy kim tiêm thì rụt tay lại. Bạn chỉ làm khi ý chí đủ mạnh mẽ”, mẹ Châu nói.

Ban đầu, Châu luôn miệng nói “Không đâu, không đâu” khi nghe mẹ thông báo hôm nay đi tiêm vắc xin. Sau 1 tiếng suy nghĩ, bạn mới đồng ý đến điểm tiêm hôm nay nhưng cuối cùng là… không chịu tiêm.

Bảo Châu ở bàn tiêm chủng

T.K

Mẹ Bảo Châu cho biết Châu là con gái đầu, bị tự kỷ bẩm sinh và đặc biệt nhạy cảm về xúc giác. Bạn muốn làm việc gì mà người lớn không cho thì sẽ bực bội, khó chịu, thậm chí là đập tay vào tường hoặc cầu thang đến mức bầm tím

T.K

Bà Lê Thị Hồng (40 tuổi, nữ hộ sinh) là người đã tìm đủ cách để tiêm vắc xin cho Bảo Châu. Mềm mỏng và cứng rắn là cách mà những người trực tiếp tiêm tại đây áp dụng đối với những đứa bé có hoàn cảnh đặc biệt.

“Không chỉ là tiêm mà chúng tôi còn phải trò chuyện, trấn an… nói chung là bày đủ trò để các bé chịu ngồi yên. Một ngày có thể tiêm cho 7-800 người lớn nhưng với những bé này chúng tôi sẽ luôn bên cạnh bé”, bà Hồng nói.

Ngoài trẻ khuyết tật, điểm tiêm còn tiếp nhận trẻ từ 12-17 tuổi. Yến Nhi, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn đang được đo huyết áp. Bạn cho biết mặc dù không sợ kim tiêm nhưng có đang hồi hộp

T.K

Nhiều trẻ em hợp tác với y bác sĩ để tiêm chủng

T.K

Lê Minh Thành (17 tuổi) và Nguyễn Lê Thu Thảo (15 tuổi) đang sống ở làng Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ đều đang học online. Cả hai vui khi vừa hoàn thành mũi tiêm đầu, mong sớm được trở lại trường học

T.K

T.K

Sau khi con tiêm xong, ông Phạm Thế Dũng (60 tuổi, ngụ P.14, Q.3) vui mừng khoe giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 của con gái. Người cha cho biết con gái năm nay 16 tuổi, bị rối loạn thần kinh bẩm sinh. Trước kia, ông gửi con rồi chạy xe ôm truyền thống để kiếm sống. Đại diện P.14 nói: “Gia đình ông Dũng thuộc diện hộ nghèo, bé mồ côi mẹ, lại khuyết tật nên luôn được quan tâm đặc biệt”.Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hồng Diệp (44 tuổi, phụ trách điểm tiêm) cho biết sáng nay 31.10, Trung tâm Y tế Q.3 nhận danh sách tiêm vắc xin cho 130 trẻ từ 12-17 tuổi của Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Chiều cùng ngày, điểm tiêm sẽ tiếp nhận trẻ khuyết tật của 12 phường của quận.

Ông Nguyễn Biên Thùy (43 tuổi, nhân viên làng Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ) chở hai trẻ về sau khi tiêm vắc xin xong

T.K

“Nhiều bé hoảng loạn khi ngồi vào bàn tiêm, có bé tăng động chạy vòng vòng gây khó khăn cho việc tiêm chủng. Việc hoàn thành mũi tiêm cho những trẻ đặc biệt thế này đem lại niềm vui cho phụ huynh và cả đội ngũ y bác sĩ”, bà Diệp chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.