Tình cờ phát hiện con mắc Cholesteatoma bẩm sinh khi đi khám mũi

30/09/2022 18:07 GMT+7

Một bệnh nhi 4 tuổi khi đi khám mũi do ngạt, chảy mũi và ho dài ngày không khỏi đã được bác sĩ chẩn đoán mắc Cholesteatoma bẩm sinh - một bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng nghe của trẻ, cần phẫu thuật ngay.

Ngày 30.9, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Gia đình Đà Nẵng cho biết vừa phẫu thuật nội soi lấy khối Cholesteatoma khỏi tai của một bệnh nhi. Sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt, có thể uống sữa và ăn cháo loãng.

Trước đó, vào ngày 19.9, phụ huynh của bé N.H.Q (4 tuổi) đưa con đến khám tại Bệnh viện đa khoa Gia Đình vì bé bị ngạt mũi, chảy mũi và ho dài ngày không thuyên giảm. Trong quá trình thăm khám và nội soi tai, bác sĩ phát hiện có khối màu trắng như hạt ngọc trai nằm sau màng nhĩ, tuy nhiên bé không hề có triệu chứng chảy mủ tại tai hay tiền sử phẫu thuật trước đó.

Tiếp tục thực hiện kiểm tra các cận lâm sàng như chụp phim CT xương thái dương và đo chức năng nghe, bệnh nhi được chẩn đoán mắc Cholesteatoma bẩm sinh.

Các bác sĩ đã tư vấn cho phụ huynh và chỉ định phẫu thuật trong ngày để loại bỏ khối Cholesteatoma.

Bằng kỹ thuật phẫu thuật nội soi với ưu điểm kết hợp với trang thiết bị y tế hiện đại, chỉ sau 1 giờ đồng hồ, khối Cholesteatoma được loại bỏ hoàn toàn. Sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt, không nôn mửa, không chóng mặt, không chảy máu, có thể uống sữa và ăn cháo loãng.

Hình ảnh khối Cholesteatoma khi chụp CT và thực tế

hoàng sơn

Phụ huynh của bé N.H.Q cho biết, bé không có triệu chứng gì ở tai, cũng chưa từng phẫu thuật trước đó. Gia đình đưa bé đi khám vì thấy ho và chảy mũi dài ngày. Tuy nhiên, cả nhà bất ngờ khi nghe bác sĩ chẩn đoán là bị mắc bệnh Cholesteatoma bẩm sinh.

Theo ThS-BS Trần Minh Trang, chuyên khoa Tai mũi họng Bệnh viện đa khoa Gia Đình, Cholesteatoma là một khối u biểu bì nằm lạc chỗ ở trong tai giữa hoặc xương chũm, nó có thể ở bất cứ vị trí nào ở trong các nhóm thông bào xương chũm.

Đó là một bệnh lý ảnh hưởng đến tai và chức năng nghe, rất hiếm gặp và thường khó phát hiện. Cholesteatoma nguyên phát từ trong thời kỳ bào thai với tỷ lệ 0,12/100.000 trẻ, gặp ở trẻ nam nhiều gấp 2-3 lần trẻ nữ. Khoảng hơn 50% các trường hợp là do tình cờ phát hiện.

Nếu khối Cholesteatoma không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nặng nề, bởi chúng có khả năng ăn mòn, phá hủy các thành phần của tai giữa, xương thái dương và các cấu trúc lân cận. Do vậy dễ gây các biến chứng như ảnh hưởng đến chức năng nghe - nói, thậm chí gây điếc, liệt dây thần kinh mặt, rò ống bán khuyên. Nguy hiểm hơn là các biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.